Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bảo vệ mắt cho trẻ em


Trẻ từ 5 tuổi trở nên dễ bị chấn thương mắt nhiều nhất bởi trong quá trình chơi đùa, khám phá thế giới chung quanh trẻ thiếu kinh nghiệm nên thường gặp phải tai nạn. Những chấn thương thường gặp Do bản tính thích chơi đùa, chạy nhảy nên trẻ em rất dễ bị va đập, chấn thương, nhất là ở mắt. Các trường hợp gây ra chấn thương ở mắt trẻ do rất nhiều nguyên nhân. Do các vật sắc nhọn như dao kéo, đồ chơi có góc nhọn, que tre nứa, củi chọc vào..., do kim khí, bụi, mảnh thủy tinh, mảnh gỗ, đinh, que sắt bắn vào...; do các vật tù tác động vào mắt như cánh cửa, nắm đấm cửa, mép bàn, bóng; bị súc vật mèo, chó, trâu bò, gà vịt tác động; bị vấp ngã, bị ném đất đá, cát; bị bạn bè chọc ngón tay, cào cấu; bị bắn tên, đạn súng cao su; nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị bỏng ở mắt do vôi, lửa và các hóa chất khác khi tham quan các xưởng sản xuất, thực tập trong các phòng thí nghiệm hoặc khi nghịch chiếu đèn laser vào mắt nhau. Chấn thương ở mắt có thể dẫn đến tổn thương như: rách giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, mù vĩnh viễn... trường hợp nhiễm trùng nặng có thể dẫn tới tử vong. Theo BS Hoàng Cương (Viện Mắt T.Ư) tổn thương do vật nhọn có thể cắt, làm xước, chọc thủng các cấu trúc của mắt, có thể gây ra biến chứng như nhiễm trùng, xơ sẹo, gây tổn hại ở nhiều mức độ cho chức năng của mắt. Đối với những chấn thương do vật tù tác động vào mắt, khi bị chấn thương mắt trẻ có thể sưng phù và sẽ nặng dần lên trong 24 - 48 giờ đầu, có thể lan ra sống mũi hoặc lấn vào mi đối diện. Ngoài sưng phù có thể kèm theo nôn mửa, cảm giác choáng ngất. Vết thương có dị vật do kim khí, mảnh gỗ, bụi, mảnh thủy tinh gây ra thường xảy ra khi các em chơi súng hơi, súng chun; ở các cơ sở thực tập, các hoạt động ngoại khóa. Các mảnh dị vật xuyên vào mắt với tốc độ cao như mảnh văng khi làm việc với máy khoan, mài, búa... có thể gây tổn hại cho các màng của mắt, xuyên sâu vào nội nhãn và gây những hậu quả khó lường. Tổn thương mắt do bỏng acid và kiềm là phổ biến nhất. Bỏng kiềm (xút, potat, nước vôi, amoniac...) nguy hiểm hơn là bỏng acid (axit sulfuric, axit clohydric, axit hữu cơ). Các biện pháp sơ cứu - Khi trẻ bị vật nhọn chọc vào mắt gây rách mi thì việc cử động và cố gắng băng bó có thể làm tổn hại thêm cho mắt. Những ca chấn thương nặng gây mất mi hoặc khuyết mi nên cố gắng tìm lại mảnh mi bị đứt rời, bảo quản trong đá để tiện cho việc phục hồi. - Khi trẻ bị vật lạ bắn vào mắt hoặc bị bạn chọc vào mắt, cần nhỏ ngay thuốc kháng sinh như Cloroxít 0,04%, băng vô trùng rồi đưa trẻ đến ngay bệnh viện. - Không nên tự cố gắng lấy dị vật, vật đâm vào mắt ra bằng tăm bông, vật nhọn, đầu ngón tay vì nó có thể gây tổn hại thêm cho mắt. Vì vậy cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý sớm. - Tuyệt đối không được mở vành mắt trẻ ra xem, nhắc trẻ không được giụi mắt; không đắp thuốc hoặc chườm đá khi không có chỉ định của bác sĩ, không đắp những thứ chưa tiệt trùng lên mắt bị thương như lá, khăn lau. - Khi mắt trẻ bị hỏng do hóa chất cần nhanh chóng loại bỏ dung dịch hóa chất bằng dung dịch nước muối hoặc bất kỳ nguồn nước sạch nào. Phải đưa trẻ đến bệnh viện để được rửa bằng dung dịch đặc biệt và nhằm bảo đảm không còn hóa chất kết dư trong mắt. Riêng trẻ bị bỏng vôi cần rửa bằng nước đường đặc hay siro vì vôi gặp đường không còn tác hại đến mắt; lưu ý không được dùng nước cất hay nước lã vì nước gặp vôi chưa tôi gây phản ứng nhiệt làm mắt bị bỏng thêm. Tuyệt đối không được băng kín vì sẽ gây nên dính nhãn cầu và dính mi. - Giữ lại các vật gây chấn thương, chai lọ và nhãn mác dung dịch gây chấn thương mắt để các bác sĩ có hướng xử lý đúng. Cách phòng tránh - Hướng dẫn trẻ chơi, sử dụng các dụng cụ học tập an toàn, không dùng những đồ vật đó để chơi đùa, đánh nhau. - Tạo môi trường an toàn cho trẻ tại nhà, trường học. Cảnh báo cho trẻ biết những nguy hiểm có thể xảy ra khi chơi đùa, khi đi tham quan, đến các cơ sở sản xuất hoặc thực hành trong phòng thí nghiệm. - Chai lọ, hóa chất cần cất kín, tránh xa tầm tay của trẻ; không để trẻ lại gần bếp đang nấu, không nghịch lửa. - Hố vôi tôi cần rào kín, không tôi vôi ở gần đường đi lại. - Dạy trẻ biết đôi mắt quan trọng như thế nào đối với con người và cách bảo vệ nó. VIỆT HÀ (Báo Gia đình và Xã hội)