Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dịch tiêu chảy cấp lại 'vào mùa'


Thời gian gần đây, liên tiếp các ca tiêu chảy cấp nguy hiểm mới xuất hiện tại các tỉnh, thành phía Bắc như Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Thái Bình, đặc biệt là Nam Định.

Tình trạng ăn, ở mất vệ sinh như thế này còn tiếp diễn dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm chưa thể dập tắt.
Ảnh: LH

Thông tin trên được Bộ Y tế thông báo ngày 5/8, tại hội nghị giao ban công tác phòng chống dịch 6 tháng đầu năm 2008 đối với 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Theo đó, hiện Nam Định đang là địa phương có số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm cao nhất miền Bắc, trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Về vấn đề này, bà Đặng Thị Minh, Giám đốc Sở Y tế Nam Định cho biết, toàn tỉnh đã có hơn 300 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 138 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, 12 người lành mang trùng. Bệnh nhân có tại 8/10 huyện, thành phố thuộc tỉnh Nam Định. Và theo bà Minh, sở dĩ, dịch khó khống chế do dịch xảy ra rải rác tại các huyện, không bắt nguồn từ ổ dịch cũ.
Tỉnh láng giềng của Nam Định là Thái Bình cũng thông báo bắt đầu có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đại diện Sở Y tế Thái Bình cho biết, trong tuần qua, tỉnh có 5 trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm ở 2 huyện Vũ Thư và Kiến Thụy, nhưng đã được điều trị ổn định và ra viện.

Tỉnh Thanh Hóa có 19 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, trong đó có 13 người dương tính với phẩy khuẩn tả, thuộc 9 phường, xã của thị xã Sầm Sơn và huyện Tĩnh Gia. Sở Y tế tỉnh đã cấp thêm 1.000 liều Ciproxacin điều trị dự phòng cho đối tượng có nguy cơ cao và tăng cường cơ số thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp, cử cán bộ bám sát địa bàn chống dịch.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, hầu hết các ca tiêu chảy cấp dương tính với tả đều xuất phát từ các bữa cỗ, thức ăn bị nhiễm khuẩn và những nơi môi trường ô nhiễm, mầm bệnh từ vụ dịch cũ tái phát.
PGS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, để công tác phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm thời gian tới thực sự có hiệu quả, chính ngành y tế các địa phương cũng cần phải nhìn thấy được điểm yếu của mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác này.
Theo ông Huấn, thực tế đã cho thấy, ở nơi nào cả chính quyền địa phương, ban, ngành đoàn thể và ngành y tế cùng vào cuộc chống dịch kịp thời, đồng bộ thì dịch sẽ nhanh chóng được khoanh vùng, đẩy lùi. Do đó, ngành y tế các địa phương với vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng cần đẩy mạnh việc phối hợp với các ban, ngành tập trung khống chế dịch tiêu chảy cấp, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn xử lý ổ dịch và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Theo vietnamnet