Cháu gái tôi 5 tuổi và đang học lớp mẫu giáo lớn tại một trường mầm non tư thục gần nhà. Một hôm, cháu về khoe với tôi “dì ơi, ở lớp, con có “người yêu” rồi đấy!”.Tưởng mình nghe nhầm, tôi hỏi lại thì cháu nói rằng ở lớp cháu bạn nào cũng như vậy. Đi tìm hiểu thêm tại một số trường mầm non, tôi mới biết rằng thì ra chuyện này cũng là chuyện… thường ngày ở huyện
Lớp nào cũng có các “cặp đôi” Tình trạng các bé trai và bé gái trong lớp “yêu nhau” thường chỉ xảy ra ở các lứa tuổi mẫu giáo nhỡ (4 tuổi) và mẫu giáo lớn (5 tuổi). Ở lứa tuổi này, các cháu đã ý thức về giới tính và có tâm lý thích bắt chước người lớn. Chuyện “yêu đương” cũng chính là một hình thức bắt chước những gì thường thấy trên tivi hay thậm chí là trong gia đình của các cháu. Lớp cháu gái tôi có 25 bé thì có tới gần chục đôi. Những bạn còn lại không phải không thích kết đôi mà theo như cháu nói là… chưa tìm được bạn nào để “yêu”. Hỏi chuyện một cậu nhóc nhà chị bạn năm nay cũng 5 tuổi thì tôi nhận được một cái gật đầu tỉnh rụi: “người yêu cháu tên là Diệu Anh”. Các cặp kết đôi với nhau không phải là chuyện tùy tiện. Cũng có “giai đoạn tìm hiểu” đàng hoàng. “Giai đoạn tìm hiểu” thông thường là khoảng thời gian khi các cháu làm quen với nhau và tham gia vào những sinh hoạt tập thể cùng cả lớp và cô giáo. Chơi chung, thấy bạn ấy tốt, bạn ấy vẽ giỏi, hát hay… thế là thấy “mến mến” và thành một đôi. Cũng có những cặp “giai đoạn tìm hiểu” lâu hơn do học chung với nhau từ những lớp nhà trẻ rồi đến các lớp mầm, chồi, lá. Và cũng… chia tay Vừa về đến nhà, cháu gái tôi đã kéo dì vào một góc thì thầm rất bí mật: “dì ơi, bạn Trang và bạn Nam lớp con hôm nay chia tay nhau rồi đấy”. Cháu kể rất dài và huyên thuyên nhưng tựu chung lại là trong giờ chơi, bạn Nam muốn chơi trò xếp hình nhưng bạn Trang lại thích cả hai chơi trò gia đình. Nam không đồng ý. Thế là cả hai cãi nhau và chia tay. Không những chia tay, Nam lại còn cấu cho “bạn gái” một cái khiến Trang khóc thét. Cô giáo đã phạt Nam úp mặt vào tường. Cu Đức (5 tuổi) hàng xóm sang chơi cũng kể chuyện mình vừa “bái bai” bạn gái vì “nó là chúa hay giành đồ chơi của cháu”. Hồn nhiên hơn, cháu còn nói hiện nay mình đang tìm “đối tượng” mới. Có phải chỉ là trò trẻ con? Các cô giáo đều biết rõ bé nào “cặp” với bé nào, đôi nào mới chỉ trong giai đoạn “thích” chứ chưa “chính thức”. Biện pháp thường được dùng nhất trong những trường hợp này là tách các cháu ra không cho chung nhóm trong các hoạt động tập thể cũng như lúc ăn, lúc ngủ. Nhưng vì quá nhiều việc, không phải lúc nào cô cũng có thể quán xuyến chặt chẽ được. Khi được cô giáo trao đổi để gia đình có những uốn nắn kịp thời, phụ huynh do quá bận việc hoặc cho rằng đó chỉ là trò trẻ con không đáng kể thường chỉ nhắc nhở con sơ sơ hay thậm chí cười xòa cho qua. Người khác thì mắng mỏ nặng lời, thậm chí cấm đoán hay đánh đòn. Có gia đình đem những chuyện như vậy để trêu các bé và kể cho hàng xóm nghe khiến bé xấu hổ không dám nhìn mặt mọi người. Lâu dần, bé sẽ tự ti, ngại ngùng khi phải đối diện với người lạ. Với những bé có tâm hồn quá mẫn cảm, thần kinh yếu còn có thể bị mắc chứng tự kỉ ám thị. Lời khuyên của các nhà tâm lý trong trường hợp này là gia đình nên đối thoại với cháu một cách bình đẳng. Đừng tưởng các cháu còn ít tuổi mà bạn có thể áp đặt suy nghĩ của mình cho bé. Bản thân bé đã có những nhận thức ban đầu về đúng sai, xấu tốt nên cách tốt nhất chính là phân tích cho bé hiểu làm như thế là không nên và các cháu chưa đến tuổi để có những tình cảm đó. Phân tích từ tốn, lắng nghe và đồng cảm với tiếng nói của trẻ, bạn sẽ thấy con mình ngoan ngoãn và đáng yêu biết chừng nào! Theo afamily.channelvn.net |