Trẻ em Việt Nam và quyền được uống sữa Việt Nam đang có trên 2,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng, thiếu chiều cao, hơn 2 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thiếu cân nặng, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi là 34%. Đó là số liệu năm 2007 của viện Dinh dưỡng quốc gia
Tác hại của tình trạng suy dinh dưỡng được bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, chủ nhiệm khoa dinh dưỡng, bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ rõ: “Trẻ suy dinh dưỡng sẽ có các bệnh thiểu năng về giác quan như cận thị, thiếu vi chất dinh dưỡng... và các tác hại thì rất lâu dài. Suy dinh dưỡng thể thấp còi có thể gây giảm năng suất lao động của trẻ em khi đến tuổi trưởng thành. Mỗi 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn tồn tại có thể gây thiệt hại khoảng hơn 20 triệu USD/năm cho quốc gia. Và chính các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam kết luận: “31% nguyên do này là vì thiếu chất dinh dưỡng, trong đó có liên quan đến thiếu sữa”. Theo viện Dinh dưỡng, tỷ lệ sữa sử dụng trên đầu người Việt Nam hiện nay thuộc loại thấp nhất khu vực và trong top 10 nước dùng sữa ít nhất thế giới, chỉ đạt 6 lít/đầu người/năm, trong khi tại Thái Lan là 22 lít/đầu người/năm và Trung Quốc là 26 lít/đầu người/năm. Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, viện phó viện Dinh dưỡng quốc gia khuyên: “Trẻ em Việt Nam cần tăng cường uống sữa, hiện mức tiêu thụ sữa ở trẻ em Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với trẻ em các nước vùng Đông Nam Á”.
Cụ thể, quyền đơn giản nhất của một đứa trẻ, mà các tổ chức y tế thế giới và bác sĩ ở Việt Nam luôn kêu gọi trên báo chí, trên các cẩm nang dạy nuôi con, trên diễn đàn sức khoẻ là phải cho trẻ uống sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời, cũng không thể thực hiện bởi đơn giản theo quy định Nhà nước, người mẹ chỉ được nghỉ bốn tháng. Nhiều cơ quan còn khuyến khích mẹ đi làm sớm hơn nữa. Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh nói: “Nguồn sữa mẹ đang bị phung phí đến mức có tội với trẻ nhỏ, khi mẹ phải đi làm sớm”. Và thực tế chẳng còn mấy ai cổ xuý cho sữa mẹ như bác sĩ Nguyễn Lân Đính dẫn chứng: “Cứ bật ti vi là nghe ra rả sữa mẹ là..., câu quảng cáo kiểu trả nợ quỷ thần này chỉ nhằm bán sữa bột nên nói nhanh đến độ chẳng ai nghe được gì”. Quyền uống sữa tươi, sữa bột, các loại sữa khác xem ra lại càng khó khăn gấp bội. Theo khảo sát của Sài Gòn Tiếp Thị, từ đầu năm 2008 đến nay, giá sữa đã tăng khoảng 20%. Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, phó giám đốc sở Lao động thương binh và xã hội Đà Nẵng nói: “Trong thời bão giá như hiện nay, sữa là một trong những mặt hàng có giá bán tăng nhanh và tăng nhiều. Vì vậy trẻ em, nhất là trẻ em nghèo rất khó có cơ hội uống sữa. Ở những gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, cơm ăn chưa đủ no thì lấy sữa đâu mà uống”.
Theo sgtt.com.vn |