Nắng nóng, dịch bệnh bùng phát mạnh
Tự chữa không khỏi mới đến viện
BV Nhi T.Ư và khoa nhi của các BV ở Hà Nội những ngày này đông nghịt bệnh nhi đến khám. Trung bình mỗi ngày, tại khoa Khám bệnh của BV Nhi T.Ư phải tiếp đón từ 1.000-1.200 bệnh nhân và số bệnh nhân nặng phải nhập viện chiếm tới 60%. Khoa Hô hấp của BV là khoa đang phải chịu tình trạng quá tải nặng nề nhất. Chỉ có 50 giường, nhưng trong ngày 30.7 số bệnh nhân nằm điều trị đã lên tới 125 bệnh nhân, có ngày cao điểm lên tới 150 bệnh nhân. Khoa Nhi - BV Xanh Pôn cũng tăng đột biến số bệnh nhi đến khám, với khoảng 500-600 bệnh nhân/ngày. BS Nguyễn Văn Lộc - nguyên Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư - cảnh báo, trẻ vào viện chủ yếu mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp với các triệu chứng ban đầu là sổ mũi, ngạt mũi, sốt, ho... Khi trẻ mới mắc bệnh, cha mẹ thường mua thuốc cảm cúm, hạ sốt cho con uống, sau 5-7 ngày thấy bệnh không đỡ và có nguy cơ nặng hơn, sốt kéo dài mới đưa trẻ đi khám. Do vậy, trẻ đến viện đều bệnh nặng, nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản... Theo nhận định của các chuyên gia y tế, nguyên nhân gia tăng dịch bệnh trong tuần qua là do trời nắng nóng kèm mưa bất thường - là điều kiện thuận lợi cho bệnh dịch phát triển, điển hình là bệnh viêm đường hô hấp, sốt virus, tiêu chảy... Trẻ em mắc bệnh nhiều hơn là do trời nắng nóng, trẻ uống nước lạnh, ăn kem, ra vào phòng điều hoà thường xuyên khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi, dễ bị nhiễm lạnh. Khi thấy trẻ có biểu hiện ho, sổ mũi, quấy khóc, sốt hoặc có những biểu hiện bất thường như sốt cao trên 38,5-39 độ C, kém ăn, khô mắt, mạch đập nhanh, móng tay có màu tím, tai lạnh... cần đưa trẻ đến viện ngay. Trẻ mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị viêm phổi dẫn đến suy hô hấp hoặc viêm não, dẫn đến tử vong. Người lớn khi thấy sốt không nên coi thường, vì sốt cao từ 39,5 độ đến 40 độ C rất dễ bị co giật. Ngộ độc vì thức ăn mất vệ sinh
Hầu hết trẻ nhập viện đều trong tình trạng nôn, đi ngoài liên tục, người mất nước nặng... Trẻ bị ngộ độc thường do ăn các thức ăn bán ngoài đường phố như thịt nướng, nước mía, ô mai, chè... Có một số trẻ bị ngộ độc do uống phải sữa tươi không bảo quản trong tủ lạnh. Lời khuyên phòng tránh ngộ độc thực phẩm của các bác sĩ là ăn uống đảm bảo vệ sinh, đối với trẻ nhỏ cần hết sức chú ý vấn đề ăn uống. Kể cả người lớn và trẻ nhỏ có hiện tượng đi ngoài do ngộ độc thức ăn, phải bổ sung ngay các chất điện giải và uống thêm các loại nước rau, nước hoa quả để trạnh tình trạng mất nước, nếu nặng phải đến ngay các cơ sở y tế.
Theo Lao Động |