Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em Việt Nam dưới chuẩn 5cm


Năm 2007, chiều cao trung bình của trẻ em dưới 2 tuổi của ta tăng 5cm so với 22 năm trước nhưng vẫn thấp hơn 5cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO). Ngoài ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi của Việt Nam là 34%.

Con số này đã được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra tại diễn đàn "Quyền uống sữa của trẻ em" vào ngày 30/7.

“Các khảo sát trên lứa tuổi học đường thực hiện tại TP.HCM trong các năm gần đây cho thấy, trẻ em nam nữ tại TP.HCM có chiều cao trung bình thấp hơn trẻ em Nhật Bản cùng nhóm tuổi, cùng giới. Chênh lệch thấp nhất là 1,2-2cm lúc 6-7 tuổi và cao nhất là 7,1cm lúc 14 tuổi ở nam và 6,6 cm ở nữ," BS. Lê Thị Kim Quý - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết.


Còn theo số liệu năm 2007 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay Việt Nam có trên 2,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thiếu chiều cao. Cứ 3 trẻ thì có một trẻ thiếu chiều cao. Ngoài ra, có hơn 2 triệu trẻ em suy dinh dưỡng vì thiếu cân nặng. Cứ 5 trẻ em thì có một trẻ suy dinh dưỡng vì thiếu cân nặng.

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng khi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao, tỷ lệ dân chúng có chiều cao thấp quá lớn, tỷ lệ còi xương lớn, thiếu vi chất dinh dưỡng. Tỷ lệ sữa sử dụng trên đầu người VN hiện nay thuộc loại thấp nhất khu vực và thế giới, chỉ đạt 6 lít/đầu người/năm, trong khi tại Thái Lan là 22 lít/đầu người/năm và Trung Quốc là 26 lít/đầu người/năm.

Nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng quốc gia (về mối liên hệ của sữa và chiều cao) được tiến hành trên 2.196 trẻ, có độ tuổi từ 2 -12 tuổi, kéo dài trong 6 tháng (từ tháng 12/2006 - tháng 6/2007), tại Bắc Ninh, Hà Nội và TP.HCM.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi trẻ được uống sữa thường xuyên, sự thiếu hụt về Vitamin A, hay tình trạng thiếu máu, kẽm đều được cải thiện rõ rệt, dù chưa hoàn toàn thanh toán được vấn đề thiếu sắt và kẽm.

Theo VNN