Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trong vòng luẩn quẩn dốt, nghèo


Con của công nhân ở các Khu công nghiệp và Khu chế xuất: Trong vòng luẩn quẩn dốt, nghèo
Một chủ nhà trọ công nhân kể lại buổi sáng khi đi ngang trường mẫu giáo Hoa Phượng, Xuân Hiệp, Thủ Đức, ông thấy ba đứa bé con công nhân đứng ngoài nhìn qua khe rào tay đưa theo các động tác thể dục mà các em nhỏ trong sân đang tập với ánh mắt háo hức…

Bác Đượm và những cháu nhỏ ở khu công nghiệp Sóng Thần

Khu trọ công nhân mênh mông tới cả trăm ngàn con người, ngay những phương tiện giải trí lành mạnh cho công nhân bói đỏ con mắt cũng tìm chưa ra, lấy đâu nghĩ đến sân chơi và lớp học ra hồn cho con trẻ công nhân. Các cặp vợ chồng công nhân rời quê, đi làm công nhân với mong muốn đổi đời, rũ bỏ đời sống nhà nông nơi quê nghèo. Gia nhập đội ngũ công nhân, tương lai của họ vẫn không mấy sáng sủa khi vật giá luôn tỷ lệ nghịch hoàn toàn với mức lương thấp kém. Họ mong ước cho những đứa con mình ra đời ở thành thị ít nhiều cũng sẽ tiếp cận được văn minh, hiện đại, lối giáo dục trong các ngôi trường khang trang để sau này khá hơn chí ít là so với thời cha mẹ chúng. Nhưng thực tế thế hệ con công nhân ra đời cũng tiếp tục đối mặt với nỗi lo thất học và nghèo đói như cha mẹ chúng.

Thiếu chỗ vui chơi, học hành
Con công nhân khi sinh ra, lúc nhỏ sợ đau bệnh không đủ tiền để trang trải thuốc men, lớn lên ngoài 3 tuổi cha mẹ công nhân lại chạy đôn chạy đáo lo đi tìm trường gởi trẻ. Những người may mắn có bà nội ngoại trông con giúp thì đỡ, nhiều người con chưa đến 1 tuổi phải đưa con đi gửi các bà bảo mẫu với mức giá 500.000 đồng/tháng để có thời gian cho vợ chồng đi làm. Các nhà trẻ trong vùng chỉ nhận em nhỏ từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách từ lúc sơ sinh đến 3 tuổi là một chặng đường dài mà các cặp vợ chồng công nhân rất ngán ngẩm. Gần như năm tháng đầu nuôi con, người chồng phải gánh vác tất cả chi phí cho hai mẹ con, chưa kể nếu có thêm bà nội hay bà ngoại, chi phí lại đội lên thêm.

Không có chỗ nhận giữ trẻ an tâm, không đủ tiền gởi trẻ vào môi trường an toàn, trong khi nhu cầu phải đi làm là điều bắt buộc, các bậc cha mẹ công nhân phải gửi con vào các điểm giữ trẻ tự phát. Dù bất đắc dĩ nhưng công nhân đều chấp nhận loại hình này vì giá cả phù hợp với túi tiền của họ (thường từ 300.000 đồng trở lại), vào trường lớp (giá trung bình 500.000 đồng trở lên) lương công nhân không gánh nổi. Từ đó, tại các khu công nghiệp xuất hiện những điểm giữ trẻ tự phát trong giới công nhân. Bác Đào Thị Đượm, 61 tuổi ở xã An Ấp, Quỳnh Phụ, Thái Bình vào sống ở xóm trọ công nhân trong khu công nghiệp Sóng Thần thuộc huyện Dĩ An, Bình Dương đã được bốn năm, hiện đang trông coi bốn đứa bé con công nhân gửi với giá mỗi tháng 300.000 đồng/cháu. Bác Đượm cho biết: “Bố mẹ chúng nó đi làm vất vả tội nghiệp, nhờ tôi trông nom giúp gửi thêm tí tiền cho có đồng ra đồng vào thôi. Chăm bốn đứa nhọc lắm, đứa nhỏ nhất mới năm tháng tuổi, biếng ăn, gửi khắp nơi không ai chịu. Đứa gửi đến 4 nơi rồi cuối cùng cũng phải nhờ tôi trông giúp vì ở nơi khác giá cao quá (từ 400.000 – 500.000 đồng, PV) bố mẹ nó không kham nổi…”.

Trong nhà trọ nơi nào cũng nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ ở, không lấy một chỗ chơi, những đứa trẻ con công nhân phải lang thang ra ngoài tự tìm cho mình những thú tiêu khiển khiêm tốn. Chiều đến, ở bãi đất trống mới phân lô ở khu dân cư Bình Đường, Bình Dương, nơi hiếm hoi để các con em của giới công nhân chọn làm nơi vui đùa với đồ chơi là đất cát và đá ngay dưới tấm biển môi giới nhà đất. Chỉ thời gian ngắn sau, chắc chắn chỗ chơi hiếm hoi của những đứa trẻ con công nhân trên khu đất này sẽ bị những dãy nhà trọ thay thế.

Không dám mơ trường công
Cha mẹ công nhân cũng muốn con mình được vào trường học ngon lành, được quyền lợi bình đẳng như những trẻ khác, nhưng nói như chị Xoan, công nhân công ty giày da Freetrend – có đứa con chuẩn bị vào lớp 1: “Có chỗ nhận cháu vào là bọn em mừng lắm rồi, lương chúng em chỉ đủ gửi cháu vào trường vừa phải thôi, trường tốt tiền cao lắm, kham không nổi. Bọn em ở đây tạm trú tạm vắng, đâu có hộ khẩu nên muốn đưa con vào trường tốt cũng không được. Cùng lắm chỉ cho cháu được học ở trường tư là may mắn lắm rồi”.

Ở Sóng Thần, Linh Trung, lứa con công nhân đầu tiên nay đã bước vào tuổi thứ 6 đồng nghĩa với việc năm tới sẽ vào lớp 1. Chị Thuỷ, có cháu Trần Văn Tuấn học lớp chồi trường Hoa Phượng, năm tới Tuấn vào lớp 1, với lo lắng: “Trường công gần nhà thì con em không đạt tiêu chuẩn, phải gửi cháu vào trường tư. Chi phí cho cháu bây giờ mỗi tháng đã là 1 triệu, vào lớp 1 chi phí chắc chắn sẽ cao hơn, bọn em dự tính phải trên 1,5 triệu đồng. Nếu như thế lương của em không đủ trang trải cho cháu, còn lương chồng thì sao nuôi đủ cả gia đình. Bọn em đang tính bất quá, gửi cháu về lại quê để đỡ đi chi phí ăn học”.

Lối ra cho những chàng trai cô gái ở miền quê vào thành phố làm công nhân với hy vọng thay đổi cuộc sống giờ lại càng trở nên mông lung hơn. Tự thân lo cho mình với mức lương và cuộc sống hiện tại đã chật vật, đến đời con họ cũng ráng gồng mình với hy vọng con cái sau này sẽ khá hơn, nhưng trước những thực tại trường lớp, chỗ vui chơi cho trẻ em công nhân, đầu vào từ mẫu giáo đến lớp 1, xem ra vẫn ngoài tầm với của những đứa con của công nhân vốn dĩ đã sinh ra từ cái nghèo. Loanh quanh rồi họ cũng phải chọn giải pháp về lại quê sinh nở, nuôi con và cuối cùng cũng phải nghĩ đến chuyện đưa con về lại quê.

Theo SGTT