Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp bé vững bước vào lớp một


Rời mẫu giáo, bước vào lớp một là một trong những bước phát triển tự nhiên của bé nhưng không phải bé nào cũng dễ dàng tiếp nhận sự thay đổi này.

Nhiều cha mẹ trẻ đã có chung thắc mắc rằng, không hiểu tại sao, trong những ngày đầu đến lớp, trẻ rất hăm hở, vui vẻ nhưng một thời gian sau lại tỏ vẻ chán nản, mất hứng thú, không muốn đi học nữa. Hiện tượng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như cách dạy của chương trình lớp một khác mẫu giáo, bé chưa quen. Hoặc các nội quy mới bé cũng chưa thích nghi được, hoặc đơn giản vì bé thấy lớp một không giống như trong tưởng tượng của bé...Vì vậy, chuẩn bị cho bé vào lớp một là một việc rất quan trọng, giúp bé vững bước vào giai đoạn mới của cuộc đời. Trong giai đoạn này, bố mẹ bé là người có vai trò tiên quyết.

Một số cách dưới đây có thể là một giải pháp cho các bậc phụ huynh gặp phải tình huống này, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các thiên thần bé nhỏ của mình.

Một bước chuẩn bị quan trọng nhưng lại được ít các phụ huynh thực sự chú ý là xác định đúng tuổi sẵn sàng đến trường của bé. Tuổi sẵn sàng đến trường là trình độ phát triển các kỹ năng và sức khỏe của trẻ mà các chương trình học hay chế độ học tập không quá sức đối với trẻ và không tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ. Xác định độ tuổi sẵn sàng đến trường rất cần thiết, giúp cho việc định ra độ tuổi hợp lý cho trẻ bắt đầu học phổ thông.

Theo chuẩn mực chung, độ tuổi sẵn sàng đến trường phần lớn là từ 6 đến 7 tuổi. Vì ở độ tuổi này, cùng với tư duy hình ảnh trực quan, ở trẻ bắt đầu hình thành tư duy logic- ngôn ngữ, tư duy khái niệm (tư duy dựa trên các kiến thức khoa học, các biểu tượng đã có trong đầu). Đồng thời, trẻ cũng chuyển dần từ những chú ý, ghi nhớ không chủ định sang các chú ý, ghi nhớ có chủ định. Đây là những điều kiện cần thiết để trẻ có thể tiếp thu kiến thức phổ thông. Tuy nhiên có một số trường hợp trẻ quá ốm yếu hoặc mắc các bệnh về thần kinh, thậm chí khỏe mạnh nhưng thiếu sự quan tâm, kèm cặp kịp thời thì trình độ trí tuệ và nhận thức của trẻ sẽ thấp hơn so những trẻ cùng lứa tuổi.

Để xác định độ tuổi sẵn sàng đến trường, các chuyên gia tâm lý, giáo dục thường sử dụng các phương pháp như trắc nghiệm, quan sát, bài tập tình huống để kiểm tra, đánh giá trình độ phát triển ở các mặt như:
  • Trí nhớ về âm thanh và hình ảnh
  • Trình độ phát triển tư duy
  • Kỹ năng xã hội
  • Khả năng nhận biết mặt chữ và con số
  • Khả năng viết chữ
  • Các thông số chung khác như sức khỏe, thể lực...
Những câu trả lời của trẻ và kết quả thực hiện các bài tập đề ra sẽ được đánh giá bằng điếm số. Người ta sẽ cộng các điểm này và đem so sánh với điểm số bình quân (làm điểm chuẩn để so sánh. Nó đã được nghiên cứu trên thực tế).Dựa vào mức điểm này, các phụ huynh của trẻ sẽ biết được sự sẵn sàng của con mình, từ đó có sự hỗ trợ phù hợp cho con. Sẽ có những bé đạt điểm số cao nhưng cũng có bé đạt điểm thấp hơn mức điểm trung bình cho phép. Với những bé có mức điểm thấp hơn này, sự giúp đỡ và chuẩn bị của bố mẹ cho bé cần nhiều hơn, tích cực hơn các bé khác. Đồng thời dựa vào đó để có thể tìm cho con trường học, lớp học ngang sức. Điều này giúp trẻ không cảm thấy bị quá sức hay không theo kịp khi tham gia vào chương trình học.

Bên cạnh việc xác định tuổi sẵn sàng đến trường của con, cha mẹ còn cần chuẩn bị thêm cho trẻ một số thói quen sau:

Tăng khả năng tập trung chú ý: là tập dần cho trẻ biết tập trung chú ý dần theo thời gian để sao cho đến cuối năm của lớp mẫu giáo, trẻ đã có thể tập trung được trong 40 phút mà không cảm thấy bị quá gò bó. Nó liên quan đến cách tổ chức thời gian học tập cho trẻ. Tập cho trẻ quen dần sự tập trung là cần thiết nhưng không nên bắt trẻ tập trung lâu quá, vì trẻ có thể sẽ chán, không hứng thú học hành nữa.

Làm quen với những "hiệu lệnh" mang tính tập thể của cô giáo: Ở mẫu giáo, cô giáo thường nhắc nhở từng bé, từng nhóm một. Nhưng vào lớp một, cô giáo sẽ nhắc chung cho cả lớp mà không riêng cho từng bé nữa. Vì vậy, bố mẹ cũng nói trước cho con biết điều này để trẻ không bỡ ngỡ để trẻ có thể chủ động trong các hoạt động học.

Rèn tính kỷ luật: ở trường mầm non, trẻ được sống khá thoải mái theo nhịp và theo cá tính của bản thân. Vào lớp một, trẻ không còn được sống như thế nữa. Trẻ phải học cách tuân theo kỷ luật về giờ giấc và nội quy của trường. Bố mẹ nên nói và tập trước cho con tính kỷ luật này ngay trong các sinh hoạt hằng ngày. Trẻ sẽ không cảm thấy gò bó, "khổ sở" khi tiếp xúc với quy tắc trong trường học nữa. Nó cũng giúp trẻ thích nghi nhanh với môi trường mới, hạn chế tâm lý chán nản ở trẻ.

Tinh thần và kỹ năng sống trong tập thể: khi ở trường mầm non, nhiều bé vấn chưa có tinh thần bạn bè nghĩa hiệp, bé vẫn coi mình là "trung tâm của vũ trụ" đặc biệt là những trẻ con một hoặc được chiều chuộng quá mức trong gia đình.Lên lớp 1, các hoạt động mang nhiều tính tập thể. Nếu bé vẫn giữ mình là "trung tâm của vũ trụ", bé có thể bị mọi người xa lánh, không chơi cùng. Bé dễ rơi vào tình trạng cô đơn, lạc lõng. Bố mẹ cần giúp con biết chia sẻ, hợp tác, thương lượng...Các kỹ năng này giúp bé sống hoà hợp với bạn bè.

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên cho trẻ làm quen dần với khái niệm lớp một và trường tiểu học trước khi trẻ bước vào đó. Có thể cho trẻ biết lớp một sẽ học những gì, có những hoạt động nào, những quy tắc nào phải tuân theo...Cũng nói cho trẻ biết là vào lớp một sẽ có những điểm hay nào mà ở mẫu giáo không có như bé sẽ được mọi người coi là người lớn, được có thêm bạn bè, được học nhiều thứ mới...Khuyến khích trẻ hỏi các câu hỏi liên quan đến lớp một và phải cố gắng trả lời thật cụ thể, chi tiết về nó. Kể cho bé nghe về ngôi trường bé sẽ vào học và thỉnh thoảng dẫn bé đến đó chơi, thậm chí tham gia một số hoạt động dành cho trẻ mẫu giáo ở đó...Điều này giúp trẻ thấy trường mới, lớp mới không quá xa lạ, "khó gần" với trẻ.

Với chương trình tiểu học khá nặng nề như hiện nay, bố mẹ phối hợp cùng nhà trường, giúp bé nhận mặt chữ, bảng chữ cái, số đếm...Tuy nhiên không nên bắt trẻ học nhiều quá. Việc trẻ học được như vậy giúp trẻ không bị rớt lại trong lớp, vẫn học vì nó không phải quá khó. Nhiều trẻ chán học vì không theo kịp với tốc độ học chung của cả lớp, trẻ không hiểu mình đang học gì, không có hứng thú trong việc học. Vì vậy, chuẩn bị trước cho trẻ một số kỹ năng, nhất là những kỹ năng liên quan đến viết, sự khéo léo của tay ...có tác dụng hỗ trợ cho trẻ khi bước vào lớp một.

Nhưng điều quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn biết cách khuyến khích trẻ đồng thời cũng là điểm tựa vững chắc cho trẻ khi trẻ gặp phải những thất bại, khó khăn trong học hành.Trẻ sẽ không thể mạnh hơn, thông minh hơn nếu những hạn chế khi đi học của trẻ bị bố mẹ, người thân nhắc đi nhắc lại, chì chiết, chê bai. Độ tuổi này, trẻ đang hình thành kỹ năng tự đánh giá. Việc người lớn đánh giá trẻ như thế nào thì trẻ sẽ tin như thế và hành động theo sự đánh giá đó. Vì vậy, khi gặp phải trường hợp trẻ chán học, thì bên cạnh việc tìm hiểu xem nguyên nhân chính nào làm con chán thì cũng phải biết khuyến khích, động viên trẻ, tạo cho trẻ niềm tin để tiếp tục theo học.

Bên cạnh nhiều nỗi lo lắng khác cho con, thì mong muốn cho con vào lớp một vững vàng, hân hoan là một điều mà bố mẹ nào cũng đều hướng đến.Vì vậy, nếu bạn có những thắc mắc về bước ngoặt này hoặc các vấn đề khác liên quan đến trẻ thì có thể liên hệ với chúng tôi: Phòng tham vấn, trị liệu tâm lý trẻ em và gia đình CPEC.
Tham vấn qua điện thoại: tổng đài 1088- 1-11. Tham vấn và trị liệu trực tiếp: Số nhà 25, nghách 11, ngõ 278 Tôn Đức Thắng- Đống Đa- Hà Nội. Điện thoại:04.5132766.Fax:04.5132767.

Nguồn: Phòng tham vấn, trí liệu tâm lý trẻ em và gia đình CPEC
Theo lamchame.com