Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi các con đánh nhau


"Mẹ ơi, em giằng bút của con"; "Mẹ ơi, cu Bi đánh con, mẹ không bảo nó là con đánh, đừng có khóc"... Luôn đau đầu vì lời thưa gửi và những "trận chiến" của hai đứa con, nên phản ứng của chị Bích hoặc là mắng đứa lớn hoặc là phát cho mỗi đứa một cái, không cần biết đứa nào đúng đứa nào sai.

Mỗi lần “trận chiến” giữa bọn trẻ xảy ra, thằng em bao giờ cũng được bênh hơn. Và kết quả là, nó lại là kẻ có cơ hội để gây chiến vào lần kế tiếp. Lần gần đây nhất, tôi chứng kiến khi sang nhà chị chơi, thằng bé 3 tuổi cầm cây kiếm nhựa, chạy qua chạy lại và nhằm lúc thằng anh 8 tuổi đang học bài không để ý là nó đánh.

Thằng anh điên tiết, ôm em vật xuống thụi một cái. Thấy tiếng khóc váng nhà của cậu út, chị Bích bật dậy, đánh thằng lớn, xách thằng em tống sang phòng bên cạnh. Khổ thân thằng lớn, khóc nức nở và không thể học tiếp được nữa.

Trẻ em không thể tránh khỏi bất hòa, đôi khi dẫn đến đánh nhau. Phần lớn các bậc cha mẹ thường bỏ mặc hoặc bênh vực những đứa nhỏ hơn. Điều này thường làm tình cảm giữa bọn trẻ xấu đi và gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ. Các nhà nghiên cứu đã chia các bậc cha mẹ thành ba nhóm: nhóm thứ nhất can thiệp và giải thích điều phải trái; nhóm thứ hai đe nẹt, quát mắng và nhóm thứ ba không làm gì cả.

Trong trường hợp con bạn đánh nhau, các nhà tâm lý học khuyên: Không nên nuông chiều hay ủng hộ một phía vì sẽ làm trẻ ghen tị và hiếu chiến hơn. Dạy cho trẻ biết sống chan hoà, thân ái, tôn trọng người khác, nhất là khi chúng là người trong cùng một gia đình. Chỉ nên phạt trẻ khi bạn có lý do chính đáng và giải thích rõ vì sao trẻ bị phạt. Đưa ra nhiều cách giải quyết vấn đề và hướng trẻ vào cách giải quyết tốt nhất.

Theo giadinh.net