Cu Bi chưa đầy 3 tuổi, nhưng mỗi khi ghé vào cửa hàng đồ chơi, cậu cứ nằng nặc đòi bố mẹ mua cho bằng được ô tô. Nếu không thoả mãn, bé gào khóc, giận dỗi và lấy tay cấu vào mặt mình.
“Sợ quá”, bố mẹ đành cắn răng mua đồ cho con. Vậy nên, mặc dù trong phòng riêng của Bi, ô tô chất hàng đống, nhưng cái mà cậu chơi nhiều nhất cũng không quá ba ngày. Bi chỉ là một trong rất nhiều người khách hàng nhỏ tuổi, nhưng đầy quyền năng hiện nay... Lý do để cắt nghĩa hiện tượng này là vì ngày nay, cha mẹ thương yêu và chiều chuộng con cái quá mức. Thế hệ nào cũng cho là con cái của họ xứng đáng sống một cuộc đời tươi đẹp hơn, nhiều cơ hội hưởng thụ hơn chính họ trước đây. Nhiều bậc cha mẹ không đủ can đảm nói “không” trước những đòi hỏi thái quá của con cái
Hàng thập niên qua, về mặt tiến hóa của gia đình có điểm tốt là con cái được khuyến khích phát biểu ý kiến và cha mẹ biết lắng nghe hơn. Nhưng nhược điểm rất lớn là nhiều bậc cha mẹ không đủ can đảm nói “không” trước những đòi hỏi thái quá của con cái. Theo những khảo sát gần đây, việc thoả mãn tất cả những nhu cầu vật chất của con cái lại vô tình gây nên bệnh tật cho trẻ. Nghiên cứu ở Nhật cho thấy, quá nhiều đồ chơi sẽ làm cho trẻ con bị trầm uất nhiều, lo lắng, mặc cảm và ít liên hệ với cha mẹ. Có đến 87% cha mẹ công nhận, chủ nghĩa tiêu thụ đã khiến họ khó lòng dạy con mình các giá trị truyền thống như lòng độ lượng và chia sẻ với người khác. Có 73% cha mẹ tỏ ra ân hận và muốn mua ít đồ chơi để có thì giờ hơn với con. Chính vì vậy, vào những dịp cả gia đình đi mua sắm, cha mẹ cần phải nghiêm khắc trước những đòi hỏi không thiết thực của trẻ. Quan trọng là làm sao con cái hiểu được đồ đạc tặng phẩm không phải từ trên trời rơi xuống mà do cha mẹ làm lụng khá vất vả mới có. Theo Tin Tức |