Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bữa ăn của trẻ mầm non lao đao trong bão giá


Dù thực đơn chỉ gồm những món đơn giản như cơm, canh bầu thịt băm, cá sốt cà chua, nước cam, nhưng Ban giám hiệu mầm non tư thục Tân Sơn Nhì phải "nát óc" cân đối giữa tiền chợ và khẩu phần ăn cho 130 trẻ, do giá thực phẩm leo thang từng ngày.

Chủ lớp Mầm non Tân Sơn Nhì (quận Tân Bình, TP HCM) - Trần Thị Hoa cho biết, sáng nào kiểm xong thực tế số trẻ đến trường, bà và các cộng sự cũng phải "cân đo đong đếm" tiền mua thực phẩm trong ngày, sao cho đủ lượng calo quy định, mà không bị phụ trội quá nhiều so với mức thu vào.

Theo bà Hoa, khẩu phần ăn của trẻ mầm non cần nhiều chất đạm động vật, có nhiều trong các loại thịt, nhưng giá thịt tăng liên tục từ cuối năm 2007 tới nay, khiến không ít ngày trường rơi vào cảnh bội chi. Đơn cử một cân thịt nạc xay từ chỗ chỉ có 35.000 đồng, nay tăng tới 74.000 đồng mỗi kg. Rau sạch cũng tăng từ 8.000 lên 14.000 đồng, còn một can dầu ăn 20 lít đầu năm giá 360.000 đồng, nay là 550.000 đồng.

Bữa ăn tại trường phải cung cấp đủ 55 -60% calo mỗi trẻ một ngày trong thời gian trên lớp. Ảnh: Lan Hương.

Mặc dù giá thực phẩm tăng, nhưng hiện lớp mầm non tư thục này vẫn chỉ thu 10.000 đồng tiền ăn một trẻ cho hai bữa trưa, xế. Đối với những trẻ được gia đình gửi ăn thêm bữa sáng và tối, trường cũng chỉ thu thêm 3.000 - 5.000 đồng. Theo bà Hoa vì giá cả ở Tân Bình có phần "mềm hơn" do không phải quận trung tâm, nên trường vẫn cố gắng tổ chức được bữa ăn đáp đủ 50-60% calo cho một trẻ trong thời gian ở trường, với mức tiền thu như trên.

"Do hoàn cảnh kinh tế phụ huynh không đều nhau, nên trường chưa dám tăng tiền ăn của các cháu. Nhưng với mặt bằng giá chợ như hiện nay, tiền ăn của trẻ ở trường tối thiểu phải từ 12.000 đến 15.000 đồng mỗi ngày", bà Hoa cho biết.

Trường hợp các mầm non tự thục phải chóng mặt xoay xở với bão giá để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ như lớp Tân Sơn Nhì không cá biệt. Đóng tại trung tâm quận 3, TP HCM, trường tư thục Họa My cũng lâm vào cảnh ngộ tương tự.

Bà Trần Nữ Diễm Ly - Hiệu trưởng trường Họa My cho biết, mức tiền ăn trường mầm non này đang áp dụng là 14.000 - 15.000 đồng một cháu, tùy theo lứa tuổi nhà trẻ hay mẫu giáo. Đây là số tiền để tổ chức ăn hai bữa trưa và ăn phụ, kèm thêm 200 ml sữa mỗi ngày đối với một cháu lớp nhà trẻ, riêng học sinh mẫu giáo chỉ uống sữa một lần mỗi tuần.

Theo bà Ly, do giá cả tăng cao đột biến nên từ hồi tháng 2, trường đã nâng mức tiền ăn một lần, từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng mỗi cháu. Hiện mức thu này cũng chỉ tạm đủ để trường chế biến các bữa ăn cung cung cấp đủ lượng calo mỗi trẻ một ngày, theo quy định.

"Tuy nhiên, trường khó cân đối để trẻ được ăn đồ cao cấp như nho Mỹ, hay sữa chua của các công ty có thương hiệu... với mức tiền ăn nhu thế. Thay vào đó, trường xoay xở bằng cách chọn mua trái cây nội chất lượng tốt, còn sữa chua thì các cô cấp dưỡng tự chế biến", bà Ly cho biết.

Với mặt bằng giá cả tại địa bàn trường trú đóng là quận 3, mức tiền ăn hợp lý nên dao động 20 - 25.000 đồng, theo bà Ly. Tuy nhiên, trường muốn nâng mức tiền ăn cũng phải có lộ trình, xin ý kiến phụ huynh, trong khi vật giá luôn tăng đột ngột, nên không tránh khỏi những giai đoạn mầm non này phải bù lỗ.

Ở khu vực công lập, hầu hết các mầm non cũng rục rịch tăng giá tiền ăn và phí bán trú trong năm học sắp tới. Hiệu phó Mầm non Hoa Mai (quận 3) Nguyễn Thị Lộc cho biết, trường đã tăng mức tiền ăn lên 18.000 đồng mỗi trẻ từ đầu hè, sau khi đã thông qua phụ huynh học sinh và phòng giáo dục quận 3. Tại Gò Vấp, phòng giáo dục quận cũng đề nghị các trường điều chỉnh mức tiền ăn tối thiểu 13.000 - 15.000 đồng, ngay trong năm học vừa rồi.

Nhiều phụ huynh có con học mầm non tại thành phố được hỏi cho biết ủng hộ việc các trường tăng mức thu tiền ăn nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.

"Phụ huynh chúng tôi hoàn toàn đồng tình với việc tăng tiền ăn cho các cháu vì thực tế giá cả đang leo thang. Nhưng các trường cũng nên tính toán mức tăng cho hợp lý với số đông phụ huynh", anh Nguyễn Mạnh Hà, phụ huynh trường Tư thục Họa My (quận 3) bày tỏ.

Còn chị Thu Hương, có con học tại mầm non Tân Sơn Nhì, quận Tân Bình cũng cho biết nhiều lần chủ động gặp Hiệu trưởng đề nghị trường tăng tiền ăn của trẻ để đảm bảo chất lượng, nhưng "các cô vẫn án binh bất động".

"Thấy trường con cái các đồng nghiệp tăng học phí, tiền ăn, mà trường học của con mình không thấy tăng gì, cả tôi hơi sốt ruột. Đi chợ hàng ngày, biết rõ giá cả đắt đỏ thế nào, nên tôi chỉ lo các cô không cân đối được bữa ăn đủ dinh dưỡng cho các cháu", chị Hương nói.

Tuy nhiên, đối với những phụ huynh có thu nhập thấp, không phải ai cũng sốt sắng với việc tăng tiền ăn hay học phí của các trường. Theo chị Trần Thị Thu, chủ một sạp báo nhỏ trên đường Trương Công Định (quận Tân Bình), dù giá cả tăng cao, nhưng nếu các trường tính toán khéo léo, "liệu cơm gắp mắm”, thì những phụ huynh nghèo đỡ khổ.

Chị tâm sự, trước đó có gửi hai cậu con trai tại một lớp tư thục gần nhà trọ, nhưng hiện bọn trẻ tạm nghỉ học, đứa nhỏ gửi về quê nhờ bà ngoại, còn thằng lớn hàng ngày theo mẹ bán báo ở vỉa hè. "Vài tháng gần đây trường mầm non tăng tiền ăn, và học phí. Thu nhập từ nghề bán báo và chạy xe ôm, lại ở nhà trọ như hai vợ chồng em không kham nổi, đành tạm thời cho con nghỉ học", chị Thu nói, vẻ ngậm ngùi.

Theo phản ánh của đoàn kiểm tra liên ngành các quận về phòng mầm non Sở GD&ĐT TP HCM mức suất ăn của trẻ tại nhiều mầm non tư thục hiện khá thấp, chỉ dao động khoảng 8.000-12.000 đồng, thậm chí có trường chỉ thu 7.000 đồng.

Phòng Giáo dục mầm non thành phố khuyến cáo dù các trường khéo vun vén đến mấy, cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu năng lượng cho trẻ, với mức thu này.

Trao đổi với VnExpress, trưởng phòng Giáo dục mầm non thành phố Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết, mức tiền ăn phù hợp của trẻ một ngày trong thời gian trên lớp ở thời điểm giá cả hiện tại, tối thiểu phải từ 13.000 - 15.000 đồng. "Tuy nhiên, Ban giám hiệu các trường cần thay đổi mức giá linh hoạt, tùy từng địa bàn, và thời giá trong giai đoạn cụ thể, trên nguyên tắc phải đảm bảo đủ 55 -60% cho trẻ", bà Thanh nói.

Theo VnExpress