Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tai nạn thương tích trẻ em: Chủ yếu do người lớn


Ước tính mỗi ngày cả nước có 20 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích, chưa kể nhiều trẻ khác bị thương tật với những tổn thương đeo đẳng suốt đời. Tình hình không giảm, tăng cao vào những tháng hè, dù cho nước ta có hẳn dự án phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

Ngày 8.7, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận bé K.D.K, 5 tuổi, người dân tộc, ngụ tại Bình Phước. Trong khi bé đang ngủ võng, đầu móc võng bung ra cùng với cây xà. Bù loong trên cây xà cắm thẳng vào trán bé. Khi được chuyển từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Chợ Rẫy, K. hôn mê, trên trán bé còn cắm nguyên chiếc bù loong. K. không qua khỏi vì não bị tổn thương quá nặng.

Bất cẩn
Cái chết của bé K. là tai nạn hy hữu. Tuy nhiên, hàng ngày các bệnh viện nhi đồng TP.HCM tiếp nhận không ít những trường hợp trẻ bị điện giật, tai nạn giao thông, ngộ độc đủ các kiểu. Bác sĩ Bạch Văn Cam, nguyên trưởng khối Hồi sức - cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết phần lớn tai nạn thương tích cho trẻ bắt nguồn từ người lớn.

Chẳng hạn cách đây hai tuần, khoa cấp cứu bệnh viện này tiếp nhận một trẻ ba tuổi rưỡi, ngụ tại quận 8, gồng ưỡn mình, trợn mắt, có dấu hiệu nguy kịch. Khai thác bệnh sử, bệnh viện mới biết em bị ngộ độc thuốc chống nôn primperan do bác sĩ bên ngoài kê toa. Thay vì phải uống 1/6 viên như chỉ dẫn, người nhà cho em uống luôn 1/4 viên với lý do khó chia nhỏ hơn nữa!

Sân chơi công cộng dành cho trẻ em cũng bị thu hẹp (Ảnh minh hoạ: Ảnh: H.T)

Theo PGS -TS Nguyễn Thị Hồng Tú, phó cục trưởng cục Y tế dự phòng, trưởng ban quản lý dự án tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em, TNTT ở trẻ em đang có xu hướng tăng cao. Đáng lưu ý trong khi tỷ lệ trẻ tử vong do bệnh nhiễm hoặc bệnh mạn tính chỉ từ 12 – 13% thì tử vong do TNTT lại chiếm đến 75% ở trẻ trên 1 tuổi (kết quả điều tra thương tích đa trung tâm của Việt Nam năm 2001 do UNICEF công bố).

Các nguyên nhân chính gây TNTT cho trẻ là chết đuối, tai nạn giao thông, ngộ độc, phỏng, thương tích do các vật nhọn/sắc gây ra. Ghi nhận tại bệnh viện Việt Đức trong năm 2007 cho thấy có hơn 4.100 trường hợp trẻ bị TNTT nhập viện, trong đó 1.637 ca do tai nạn giao thông, 1.596 ca do lực cơ học tác động và 405 ca do té ngã.

Theo PGS-TS Hồng Tú, nếu không gây tử vong, TNTT có thể khiến trẻ bị những tổn thương lâu dài, sang chấn tâm lý, mất khả năng học tập, trở thành gánh nặng cho xã hội và gia đình.

Không chịu chi
Chính phủ có chính sách quốc gia về phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2002 – 2010. Tuy nhiên, để chương trình này đạt mục tiêu giảm số trường hợp TNTT, kinh phí hoạt động là điều cần tính đến.

Báo cáo của UBND quận Tân Bình với đoàn giám sát HĐND TP.HCM cuối năm qua cho thấy ở đây vẫn chưa có ban chỉ đạo phòng chống TNTT trẻ em, vì thế chưa đưa ra được chương trình hành động cụ thể. Biện pháp chủ yếu cho chương trình là tuyên truyền. Kinh phí do quận này đưa ra khiến ai cũng giật mình: 1,5 triệu đồng cho 9 tháng đầu năm 2007.

Tuy nhiên, cũng không thể đổ thừa cho thiếu kinh phí, vì có những biện pháp trong tầm tay nếu làm tốt cũng giảm đáng kể tỷ lệ tử vong hoặc thương tích cho trẻ. Chẳng hạn ở TP.HCM, tình trạng thu hẹp các công viên, sân chơi cho trẻ em khiến trẻ chơi đùa ở những nơi thiếu an toàn, dẫn đến tăng nguy cơ bị tai nạn. Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng bừa bãi, không an toàn cũng gây ra những tai nạn đáng tiếc. Trường hợp một trẻ tử vong do ngã xuống hố ga không đậy nắp ở quận 2 mới đây là thí dụ cụ thể.

Theo Tin Tức