Làm giáo viên chúng tôi có một “đặc quyền đặc lợi” mà không nghề nào có được đó là tiêu chuẩn nghỉ hè, không phải nghỉ phép thông thường mà chúng tôi được nghỉ hẳn những hai tháng. Mới sang tháng năm, tôi đã lên kế hoạch cho cả mùa hè: đi biển, lên núi, tham gia một khoá học về giao tiếp xã hội và kế hoạch nghỉ ngơi cho đỡ mệt sau một năm dạy học căng thẳng.
Nhưng các vị cha mẹ không biết làm gì với tụi nhóc lên ba lên năm khi bận đi làm, chả lẽ mang chúng đến chơi ở cơ quan? Vậy là cha mẹ đem con “đổ vạ” nhà trường. Sau đợt vận động, một số giáo viên muốn “trốn việc nhà lại tăng thu nhập” liền xung phong đi làm hè. Tôi chả dại. Nhất định là vậy. Nhưng vẫn không thoát. Cô bạn đồng nghiệp có con nhỏ bị ốm gọi điện nhờ vả thống thiết: “Chị làm hộ em một tuần thôi mà”. Nể quá, tôi nhận lời. Vì học hè vắng nên học sinh được ghép lại từ nhiều lớp khác nhau, học sinh cũ của tôi chỉ có vài bé còn lại nhìn lạ hoắc. Chắc chúng nhìn tôi cũng lạ lẫm không kém thậm chí hình như chúng còn không coi tôi là cô giáo. Để phát ngôn một điều gì đó hoặc là tôi phải gõ thước ầm ầm, hoặc hét thật to. Lớp cũ của tôi chúng nề nếp bao nhiêu thì lớp “ĐH tổng hợp” này lại tự do vô tổ chức bấy nhiêu. Chúng nói to, hét lớn không kém gì tôi, trong lớp chuỵên trò như pháo nổ, gọi nhau hò hét í ới. Ấy là chưa kể bất cứ chuyện gì cũng có thể khóc rống lên, tranh luận, cãi vã hoặc mách mỏ...Lúc nào tôi muốn chúng ngồi yên một chỗ, tôi phải nhặt từng bé một dắt vào vị trí yêu cầu. Được bé này thì bé khác nhảy tưng tưng làm tôi vô cùng vất vả, chả bù cho học sinh lớp tôi cũ, chỉ cần ra hiệu khẽ một cái là đâu vào đấy. Tôi xin cá với các bạn chắc chắn rằng câu thành ngữ: “bắt cóc bỏ đĩa” là do một cụ đồ nho nào đấy ấm ức lũ “nhất quỷ nhì ma” đã nghĩ ra. Đúng là “nhất quỷ nhì ma” thật, mấy con ma nhóc dưới chân như có lắp bánh xe hay lò xo. Từng tốp nối đuôi đuổi nhau chạy rần rần vòng vèo từ phòng nọ xuyên qua phòng kia. Nhìn chúng chạy tôi chỉ lo có bé nào vấp ngã thì...Thế là tôi hét to: “Về chỗ nào! Im lặng nào! Ngoan nào!..”. Gào thế nào cũng không ăn thua, tôi liền túm lấy một cậu bé đang mồ hôi mồ kê ướt sũng lưng phát cho cái vào mông. Ngay hôm sau bà cháu đến “gặp gỡ trao đổi” rằng cháu không muốn đi học nữa do bị cô tát vào mặt. Ấy thế là tôi bị coi là mụ Quản Thị Kim Hoa rồi đấy. May mà bà cháu chỉ nhắc cô chứ chưa tới mức đưa cô lên gặp hiệu trưởng. Thuyết phục giải thích một hồi rồi bà cũng cho bé vào lớp. Hú vía! Sau một tuần dạy hè, cổ họng tôi khô rát, giọng nói khàn đặc. Mỗi lần hét lên là cả một sự cố gắng ghê gớm. Ở nhà ông xã bảo tôi dạo này trầm tính hẳn, có lẽ lỗ tai ổng được nghỉ ngơi nên thấy tôi mất giọng lại có vẻ hài lòng lắm, không hề thương vợ đang ốm đau khổ sở thế này. Mấy cô bạn gái hầu như không nhận ra là tôi mất tiếng hay là không. Có lẽ phụ nữ nghe bằng mắt. Hôm qua gặp anh bạn cũ, anh ngạc nhiên hỏi tôi làm sao thế và phát biểu thẳng thừng: “Anh sợ đàn bà con gái nói giọng khê nồng lắm, nghe như dân giang hồ”. Đến nước này thì tôi buộc phải xem lại cái họng của mình. Mấy hôm sở hữu cái tiếng khàn khàn tưởng lời nói của mình có uy hơn, giống như sếp cũ của tôi, bả nói ồm ồm ai nghe cũng thấy thật dễ sợ, ai dè lúc mình nói tiếng ấy bị kêu là “sương gió”. Cà phê đã phải không cho đá, nước muối xúc miệng thường xuyên vậy mà vẫn nó không thanh thoát hơn là bao. Hò hét quát tháo cả ngày như vậy thì cái thanh quản ốm yếu của tôi làm sao mà lành được. Con cô bạn vẫn chưa khỏe (không biết trẻ con thì như thế nào gọi là khỏe?), cô ấy tiếp tục nghỉ làm thêm tuần nữa. Bao giờ cô giáo chính thức của tụi nhỏ đi làm tôi mới được nghỉ ngơi. Chỉ e giọng tôi lúc đó sẽ mất vĩnh viễn không lấy lại được nữa. Ôi tụi nhóc của tôi. “Trật tự, lắng nghe cô nói đây này!” Hoàng Vi mamnon.com |