Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

20 cách giúp xây dựng tính cách tốt cho trẻ (phần 2)


Nuôi dạy trẻ trở thành những người có nhân cách tốt là công vệc khó khăn và lâu dài đối với các bậc làm cha làm mẹ. Webtretho hy vọng những gợi ý sau đây sẽ giúp bạn có thêm một số kiến thức trong việc dạy dỗ trẻ nên người:


11. Trao đổi về những dịp kỷ niệm và ý nghĩa của chúng: Sẽ rất có ích cho đời sống gia đình nếu gia đình bạn thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ hay những dịp kỷ niệm trong nhà mình. Abraham Lincoln từng nói rằng những hoạt động kỷ niệm toàn quốc đã khiến cho người Mỹ cảm thấy gắn bó hơn với đồng bào của mình và thêm gần gũi sâu nặng với đất nước mình đang sinh sống. Những dịp kỷ niệm truyền thống không chỉ giúp tăng cường sự gắn bó ruột thịt trong họ hàng thân thích, mà còn là chất keo kết dính tình thân ái giữa người với người, giữa các thành viên trong gia đình, giữa những công dân với nhau.

12. Dạy bé biết đón nhận mọi cơ hội học hỏi: Cả gia đình nên dành ra những khoảng thời gian nhất định để bàn bạc về những việc hệ trọng trong nhà. Tuy nhiên, hầu hết những tính cách tốt có thể được học hỏi từ những hoạt động thường nhật. Mỗi khi bạn hay trẻ tiếp xúc với nhau hay với người khác, chúng ta sẽ có cơi hội tiếp xúc với vô số những tình huống dạy cho ta ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm, sự cảm thông, cách cư xử tử tế hay lòng trắc ẩn.

13. Hướng trẻ đến lối sống có trách nhiệm: Mặc dù sẽ dễ dàng và nhanh chóng nếu bạn tự tay lau bàn, đổ rác hay bỏ đồ vào máy giặt hơn là đợi trẻ đến giúp một tay, nhưng chúng ta vẫn có bổn phận dạy trẻ hiểu cần biết cân bằng những sở thích và nhu cầu của bản thân với những người khác trong gia đình – và rộng lớn hơn là giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội.

14. Nói rõ với trẻ về những mong muốn của bạn dành cho trẻ và để con chịu trách nhiệm về những hành động của mình: Hãy đặt ra cho trẻ những giới hạn hợp lý và hướng trẻ tin rằng cha mẹ là những người chỉ dẫn về đạo đức và lối sống trong gia đình. Bên cạnh đó hãy tạo cho trẻ cảm giác an toàn và tin cậy vào điều đó. Hành động này sẽ khiến trẻ hiểu rằng bạn thật sự quan tâm đến trẻ và chỉ mong muốn bé trở thành người tốt mà thôi.

15. Giữ trẻ bận rộn với những hoạt động lành mạnh: Trẻ con và những người trẻ tuổi nói chung là những người luôn tràn đầy năng lượng hoạt động. Thử thách dành cho bạn là làm sao hướng chúng sử dụng nguồn nội lực ấy vào những lĩnh vực hữu ích như thể thao, âm nhạc (hay các loại hình nghệ thuật khác), hay tham gia những nhóm dã ngoại. Những hoạt động này sẽ giúp trẻ phát triển lòng vị tha, sự quan tâm, sự hợp tác và dần dần hiểu được ý nghĩa của thành tựu.

16. Dạy trẻ biết nói “không” và hiểu giá trị của điều đó: Đây là cách thông thường mà trẻ - nhất là trẻ vị thành niên – dùng để thử thách những nguyên tắc cũng như quyền lực của cha mẹ. Cho dù trẻ có phản kháng ra sao thì những người làm cha, làm mẹ yêu thương con thật sự cũng sẽ tỏ ra kiên định và cứng rắn ngăn cấm con thực hiện những hành vi gây nguy hại cho bản thân chúng.

17. Biết con đang ở đâu, làm gì và với ai: Bạn nên thường xuyên tỏ cho trẻ biết bạn quan tâm và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho chúng, nhưng bên cạnh đó hãy đặt ra cho trẻ những nguyên tắc cần tuân thủ và giám sát, quản lý hoạt động của chúng. Thậm chí khi cần bạn cũng có thể áp dụng những cách làm bị xem là “cổ hủ”, chẳng hạn gặp gỡ bạn bè của con và phụ huynh của chúng.

18. Không khuyến khích hay bênh vực khi trẻ làm sai: Bảo vệ trẻ trong những tình huống trẻ cư xử không đúng đắn sẽ khiến trẻ có những nhận thức sai lệch về trách nhiệm cá nhân của mình. Theo thời gian, cách dạy dỗ này sẽ tạo cho trẻ ấn tượng rằng trẻ không bắt buộc phải tuân theo những chuẩn tắc cư xử trong giao tiếp xã hội.

19. Tìm hiểu những chương trình tivi và phim ảnh trẻ thường xem: Trong khi những ấn phẩm văn hóa lành mạnh xuất hiện khá nhiều thì những sách báo có nội dung xấu vẫn được lưu hành không ít. Trong thời đại dễ tiếp cận thông tin như hiện nay, trẻ rất dễ tiếp xúc với những nguồn thông tin không lành mạnh. Bằng những lời khuyên nhủ và những ví dụ thực tế, bạn hãy dạy trẻ thói quen tiếp xúc và chọn lọc những luồng thông tin phù hợp. Nếu bạn bắt gặp con đang xem một thứ gì không hay, hãy thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ của bạn và trao đổi với trẻ vì sao bạn cho rằng những thứ ấy làm ảnh hưởng đến nền nếp gia đình.

20. Hãy nhớ rằng bạn là người lớn: Trẻ không cần thêm một người bạn thân, nhưng lại thật sự cần một bậc phụ huynh chăm sóc, quan tâm đến trẻ và dạy cho chúng những giới hạn để cư xử đúng đắn. Thỉnh thoảng những câu nói đại loại như “Bố không cho làm thế đâu” cũng là một cách tiện lợi để “giải thoát” trẻ khỏi những hoạt động đáng ngờ mà bé không muốn tham gia.

Theo Web Trẻ Thơ