Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con "cãi nhau"


Trong kho tàng ngôn ngữ của nhiều nước có câu "lời nói là bạc, im lặng là vàng". Thật ra, lời nói là một ân huệ của tạo hoá dành cho con người. Nhưng sử dụng món quà này một cách hợp lý thì không phải ai cũng làm được. Do vậy, bạn phải làm sao cho con hiểu sự khác biệt giữa thảo luận và... nói "cho được".

Một cuộc tranh luận là bổ ích, có khi giúp con cái tìm ra nhiều cái hay mà nếu im lặng sẽ không sao thấy được. Nhưng hãy giúp con hiểu nó khác rất nhiều với cuộc “tranh luận” xem ai sẽ trả tiền cho một bữa ăn trong nhà hàng tối nay, dù “cuộc tranh luận” này có vẻ thân thiện hay hòa bình đến đâu cũng vậy.

Khi cuộc tranh cãi trở nên khốc liệt và mang màu sắc thù ghét hoặc có tính “ngã ngũ xem là người cuối cùng có lý”, thì nó sẽ phát tán như căn bệnh ung thư có thể tàn phá cả đời người của tất cả những ai tham gia vào cuộc tranh cãi như thế.

Cãi nhau để xem ai thắng thế sau cùng là lối tranh luận chỉ làm “kẻ chiến thắng” mất hết cảm giác về tình thương đích thực đối với đồng loại, vì đối với họ, giữ cho mình nhãn hiệu “người có lý” hay “người chiến thắng” thì bao giờ cũng quan trọng hơn là kẻ thật sự biết chăm sóc hay để ý tới người khác.

Những bậc cha mẹ hay cãi nhau, mà lại cãi nhau trước mặt con cái, bao giờ cũng để lại các dấu ấn tai hại trong tâm hồn trẻ thơ. Vì cha mẹ thì không nên (và có thể cũng không biết) ép con cái là quan tòa xử xem ai là kẻ có lý, sau khi đã bắt con là các... nhân chứng bất đắc dĩ!

Vì vậy, bạn hãy chỉ cho con thấy thảo luận là để tìm ra chân lý, hoạt động như thế không có chỗ cho hận thù hay bực bội, oán hận. Nó còn tập cho con cái tính can đảm, hoặc bảo vệ quan điểm đúng đắn của nó tới cùng, hoặc nhận ra là quan điểm của nó đã sai trái.

Ngoài ra người tranh luận một cách cao thượng thường không nhỏ nhen. Họ không “thù dai”, không xem cái gì đã qua là của hiện tại và hớn hở nhìn tới tương lai. Trẻ con thánh thiện hơn người lớn ở chỗ chúng không hề biết để bụng, chúng giận nhau một chút rồi sau đó lại làm hòa. Người tranh luận khỏe khoắn cũng như thế, họ không bao giờ đi oán hận người đã tranh luận sai, chỉ không chấp nhận “điều không đúng”mà thôi!

Theo Giadinh.net