Hai ngày đầu nhận hồ sơ xét tuyển giáo viên.
Nhiều cái sai không đáng Để thuận lợi cho người dự tuyển, Phòng Tổ chức Cán bộ đã chia mã số đăng ký trên mạng từ 1 đến 750 nộp hồ sơ ngày 16, từ 751 đến 1.500 nộp hồ sơ ngày 17… Tuy nhiên trong hai ngày 16 và 17, có khoảng trên 2.000 người dự tuyển đến nộp hồ sơ. Theo ghi nhận của chúng tôi trong hai ngày đầu nhận hồ sơ, có rất nhiều người dự tuyển đã làm sai hồ sơ. Trên mạng của Sở GD-ĐT đưa ra hai loại sơ yếu lý lịch, mẫu 1 dành cho những giáo viên đang dạy học ở nơi khác nhưng muốn chuyển về thành phố và mẫu 2 dành cho các giáo sinh mới ra trường, giáo viên dạy thỉnh giảng, giáo viên nghỉ việc từ nhiều năm… Chị Hạnh, giáo viên tiếng Anh đang dạy tại Long An, năm nay muốn chuyển về TP.HCM. Đáng lẽ chị phải làm lý lịch theo mẫu 1 thì lại làm theo mẫu 2. Tại bàn hướng dẫn làm hồ sơ, chị được hướng dẫn phải làm lại lí lịch. Ngược lại, Mai (Q.Tân Bình) mới tốt nghiệp khoa Giáo dục MN Trường ĐH Sài Gòn nhưng lại làm lí lịch theo mẫu 1. Năm nay là lần đầu tiên Phòng Tổ chức Cán bộ không bán hồ sơ mà người dự tuyển nhận hồ sơ trên mạng thông tin giáo dục của Sở. Khi đã có hồ sơ, người dự tuyển tự nhập thông tin tuyển dụng của bản thân vào trang web rồi in giấy xác nhận đã đăng ký dự tuyển qua mạng. Song có rất nhiều ứng viên đã không nhập thông tin mà in giấy xác nhận ra, sau đó ghi thông tin bằng viết mực lên giấy. Thủy, mới tốt nghiệp khoa Giáo dục Tiểu học - Trường ĐH Sài Gòn TP.HCM đưa cho tôi xem tờ giấy xác nhận viết tay, buồn rầu nói: “Em làm sai nên không có mã số đăng ký, giờ phải đăng ký lại từ đầu. Như vậy là phải đợi đến ngày 25, em mới được nộp hồ sơ…”. Trên mạng của Sở cũng như Báo Giáo Dục TP.HCM và một số báo khác đã ghi rất rõ: Khi nộp hồ sơ, người dự tuyển phải mang theo chứng minh nhân dân, giấy xác nhận đã đăng ký dự tuyển qua mạng và các giấy tờ khác kèm bản chính để đối chiếu. Nhưng trong hai ngày 16, 17 có rất nhiều người quên đem theo bản chính… Bỏ nội thành ra ngoại thành để… gần nhà So với mọi năm, năm nay số người dự tuyển đã và đang làm giáo viên khá nhiều. Thậm chí có nhiều người đang là giáo viên ở những quận trung tâm nhưng vẫn xin nghỉ việc để làm hồ sơ xét tuyển mới với hy vọng được… ra ngoại thành. Thùy Dương, giáo viên mầm non đã công tác tại một trường mầm non ở Q.5 được 3 năm. Cuối tháng 6, Dương làm đơn xin nghỉ việc và ngày 16-7 đem hồ sơ lên Sở GD-ĐT nộp với mong muốn được về dạy ở Củ Chi. Dương cho biết: “Nhà em ở Củ Chi, trước đây chưa có gia đình nên có thể đi sớm về muộn được, nay có gia đình thì khác. Mặc dù, cô hiệu trưởng rất quí và mong em ở lại vì trường cũng thiếu giáo viên nhưng em vẫn cương quyết về Củ Chi…”. Trường hợp của Hoa (Q.Tân Phú), giáo viên mầm non ở Q.3 cũng vậy. Hoa dạy ở quận 3 được 5 năm rồi, nhưng năm nay chị vẫn cương quyết nghỉ việc để được về Q.Tân Phú. Hoa tâm sự: “Ai cũng nghĩ dạy ở trường điểm thì sướng nhưng “có nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Dạy ở các trường khác, sáng 7 giờ vào, chiều 4 - 4 giờ 30 là về. Còn dạy ở trường điểm 6 giờ 30 là phải có mặt ở trường, chiều 6 - 7 giờ mới được về. Lương thì cứ theo hệ số Nhà nước quy định mà lãnh, còn những phụ cấp khác thì không có. Chồng em nói, về gần nhà mà dạy, không xin được thì ở nhà anh ấy nuôi…”. Còn chị Minh Hà nhà ở Q.3 nhưng phải dạy ở Cần Giờ, dạy được 5 năm mà không xin về nội thành được, chị quyết định bỏ việc. Sau 2 năm ở nhà, năm nay chị làm hồ sơ xét tuyển giáo viên. Chị tâm sự: “Lần này nếu không xin được ở các trường gần nhà như Q.5, Q.10, Phú Nhuận… thì tôi sẽ từ giã nghề giáo”. Chị cũng cho biết, rất nhiều đồng nghiệp đã phải bỏ nghề chỉ vì trường cách nhà quá xa. Thao Báo Giáo Dục |