Tự lo cái ăn, mỗi ngày các em phơi mình ngoài nắng, mưa để kiếm ve chai, sắt vụn
Thằng bé bán vé số trên chuyến xe buýt tuyến Bến Thành - Nhà Bè hôm ấy luôn huyên thuyên đủ thứ chuyện mà không biết rằng hành khách ngồi trên xe quá chán ngán vì chiều nào cũng nghe cái “loa phát thanh” của nó với quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu chuyện.Đó là Thanh, mới 12 tuổi nhưng có thâm niên đến 6 năm sống ở gầm cầu, xó chợ, công viên. Thanh kể: “Em chỉ biết mặt cha vỏn vẹn 48 giờ là cha đã vĩnh viễn ra đi sau nhiều năm điều trị HIV tại Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân (Hóc Môn)”. Còn mẹ? “Mẹ theo trai rồi cũng nghiện, làm gái điếm”. Có lẽ Thanh vừa hận vừa thương cha mẹ, nó vỗ vai một người phụ nữ đáng tuổi bà ngoại nói trỏng: “Bán vé số cũng kiếm được nhiều tiền, đủ lo cái ăn cái mặc, bán củ khoai lang cũng sống được phải không bà già”. Câu hỏi của nó khiến bà già chưng hửng, chẳng biết đầu đuôi câu chuyện thế nào, tôi thoáng nhìn thấy hai bên khóe mắt nó ướt nhòe. Xe buýt ghé trạm, “bye bye, see you again” và tay vẫy chào mọi người. Chị Thành, gần ba năm làm tiếp viên xe buýt chạy tuyến đường này nói: “Chiều nào nó cũng về đường này nhưng khi hỏi nhà cửa, gia đình thì nó không hề hé miệng. Hôm nay nó tâm sự với chú là điềm lành đã đến với chú rồi đấy”. Khu đất quy hoạch trên đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc phường Tân Phong quận 7 nhiều tháng nay là nơi hành nghề của bọn trẻ đến từ nhiều nơi khác nhau, có đứa không biết mình sinh ra ở đâu, cha mẹ tên gì. Ngày nào cũng vậy: đầu trần, chân chim, đứa thì không áo, đứa quần rách tả tơi phơi mình ngoài mưa, nắng để nhặt bao ni lông, đào bới bùn, đất tìm sắt vụn. Thằng bé có khuôn mặt “già” nhất đám trẻ cảnh giác: “Coi chừng ổng chụp hình đưa công an tìm bắt mình đó”. Tôi trấn an: “Tụi em có làm gì sai đâu mà ai dám bắt”. Chẳng ăn thua, bọn trẻ vẫn cứ rụt rè, có đứa bỏ chạy bạt mạng khi tôi đưa máy ảnh ra. Cố trấn an lần nữa nhưng bọn trẻ chỉ đồng ý tiếp chuyện với chúng tôi, xin không được làm gì khác. Tuấn, cậu bé có khuôn mặt lạnh ngồi khép nép sau lưng bạn mình, trên đầu đội chiếc bao ni lông gây cho tôi cảm giác có điều gì không ổn về quá khứ của nó. Sang, một “đồng nghiệp” của Tuấn buông một câu cộc lốc: “Công an hả?”. Không, không phải, tôi đáp. Sang tiếp: “Cách đây mấy tháng nó (Tuấn - PV) có giật cái bóp của một khách Tây ba lô ở khu vực chợ Bến Thành, trong đó có 1.200 USD rồi chia cho một số đứa nữa. Do chia không đồng đều, thằng “Dũng sứt” (hở môi) phát hiện ra “con mồi” đi báo công an thủ phạm là Tuấn và chỉ rõ địa điểm hành nghề. Nó lẩn tránh ở khu vực gầm cầu Tân Thuận và nhập bọn với tụi này sau đó vài ngày”. Được biết mẹ Tuấn là một con bạc có tiếng ở khu vực chợ Nancy, cha hành nghề xe ôm chở gái mại dâm đã bị công an quận 1 bắt vào cuối năm 2004 khi cả hai đang thực hiện hành vi tiêu thụ xe gian. “Em bỏ nhà đi biệt vì chịu không nổi cảnh đánh đập tàn nhẫn của người dì, sống lang thang ở công viên, nhiều lần các anh chị giáo dục viên đường phố tìm đến hỏi chuyện và đưa về các mái ấm, nhà mở dạy chữ nhưng em không chịu. Lúc đó em chỉ mới 10 tuổi, chưa biết gì, trong đầu lúc nào cũng lo sợ bị đánh đập nên muốn đi càng xa càng tốt”. Một chiều cuối tuần, theo lời chỉ dẫn của Sang, chúng tôi lân la khu vực công viên 23-9 tìm hỏi “Dũng sứt” thì được một cậu bé tuổi trạc 12-13 tên Tèo thông tin: “”Dũng sứt” đã mất tích từ hơn nửa tháng nay, ngày nào cũng có người đến đây tìm nó”. Em có biết vì sao Dũng sứt bỏ đi không? “Có lẽ “Dũng sứt” đã có người nuôi hoặc bị công an để ý theo dõi vì gần đây xảy ra nhiều vụ cướp giật, “Dũng sứt” là người đáng nghi ngờ nhất nhưng tui cũng không chắc đâu”. Vậy còn có người nuôi là ai nuôi? Tèo tiếp: “Tây nuôi, cứ qua đêm với nó là có tiền xài, tụi nó lo ăn uống, đi chơi, xem phim…”. Trước đó, “Dũng sứt” cũng đã có thời gian đi bán vé số, khi đó, mọi người biết chuyện cũng vui lây vì thằng bé đã hướng thiện, tự lo làm kiếm tiền nuôi sống bản thân. Ai ngờ, chỉ hơn một tuần sau nó đã bị công an quận 5 bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi trộm kiếng chiếu hậu xe hơi trên đường Trần Phú. Tèo theo cha mẹ ra công viên này hành nghề mua xe đạp từ các con nghiện ăn cắp mang ra bán đã hơn 4 năm nay. Tèo biết tất tần tật tên của cư dân nhí một thời “tạm trú” ở ghế đá công viên này, thậm chí biết cả tính tình, sở thích quậy phá của nhiều người. Khi hỏi về chuyện học hành, Tèo ra vẻ khó chịu: “ai cho học, lấy gì mà học” rồi đứng dậy đi sang ghế đá khác, cố tình lảng tránh những câu hỏi mà từ lâu nó chẳng muốn nghe ai nói. Theo Báo Giáo Dục |