Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

10 cột mốc của bé


Những bạn gái lần đầu tiên làm mẹ hãy cùng tìm hiểu 10 cột mốc phát triển và trưởng thành của trẻ để hiểu bé yêu của mình hơn.

Ảnh: Sưu tầm
1. Từ ánh mắt đến trái tim (4- 6 tuần): Ánh mắt của mẹ chính là sợi dây liên kết đầu tiên giúp bé nhận biết thế giới bên ngoài. Giờ đây, đôi mắt to trong của bé có thể nhận ra và dõi theo ánh mắt mẹ đang nhìn bé. Bé dường như đang ra hiệu với mẹ rằng: "Mẹ ơi con biết mẹ đang nhìn trộm con đấy nhé!"

2. Còn cười nè mẹ! (6-8 tuần): Đôi khi, bạn bắt gặp bé cười trong lúc ngủ nhưng đó không phải là nụ cười thật sự, mà là "mụ dạy". Theo dân gian, có 12 bà mụ và 1 bà mụ chúa dạy bé cười, nói, khóc, nâng đỡ trẻ khi ốm đau, bệnh tật. Khi bé nhìn và nhoẻn miệng cười với bạn là lúc bé bắt đầu phản xạ. Thời gian này bé biết định dạng sự vật với những khoảng cách gần.

3. Ê e, a a (tuần thứ 8): Mấy tuần đầu bé yêu của bạn chỉ biết khóc, nhưng giờ đây đã biết ê ê, a a trong cổ họng. Thậm chí, nhiều lúc bé còn gào lên để thu hút sự chú ý của mọi người. Thời gian này, bạn thường mấp máy môi nói điều gì đó để trẻ có thể ê a hoặc ư a theo.

4. Con đã chuẩn bị biết nói rồi (3-5 tháng tuổi): Sau giai đoạn ê a, trẻ bắt đầu biết phát âm những âm đơn giản như ba ba hoặc na na, ka ka. Không những thế, nhiều bé còn biết đánh đáo lưỡi để phát ra những tiếng tặc tặc rất dễ thương. Khả năng mới này của bé chính là bước đệm quan trọng giúp bé học ngoại ngữ sau này.

5. Bé cưng bò mẹ xem nào (5-7 tháng tuổi): Việt Nam có câu: "3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò rò biết đi". Ở giai đoạn này, bé đã bắt đầu biết bò và với đồ vật bên cạnh. Hãy bày trò chơi với con bằng cách để đồ vật nhỏ xung quanh, giúp trẻ tập bò và dùng tay lấy đồ vật.

6. Hãy vịn vào mẹ để đứng lên (7-9 tháng tuổi): Bạn hãy sẵp xếp các đồ vật trong nhà cạnh nhau để bé có chỗ vịn đứng lên. Nên khuyến khích con bạn vịn vào phần thấp của đồ vật và đỡ bé đứng lên khi đang ngồi. Đây là cột mốc quan trọng cho biết khả năng tự vận động, tự đứng vững trên đôi chân của bé.

7. Đưa mẹ chú gấu bông nào (7-9 tháng tuổi): Bé có thể dùng ngón tay trỏ với lấy đồ vật và nhặt các vật nhỏ như hạt nho, nắm chặt trong tay. Ở giai đoạn này, bé đã bắt đầu ý thức về sự tự lập. Đây là nền tảng giúp trẻ sử dụng kỹ năng này để đánh răng, mặc quần áo, giày dép về sau.

8. Con ra hiệu được rồi nhé (11 - 12 tháng tuổi): Vào giai đoạn này, trẻ biết há miệng để báo hiệu với mẹ là đã ăn hết thức ăn hoặc chỉ vào quyển sách ưa thích. Bé biết mình là ai và có thể thể hiện mình muốn gì với mọi người. Trẻ biết "giữ của" và giận dữ khi người khác lấy đồ chơi của mình.

9. Mẹ ơi, con đã biết nói rồi (tháng thứ 12): Cả nhà chắc hẳn sẽ vui mừng, hạnh phúc khi bé bi ba bi bô được tiếng nói đầu tiên. Từ đó có thể là "bà", "bố", "mẹ" hoặc bất cứ từ nào mà bé ấn tượng và luyện tập nhiều nhất. Dần dần, bé có thể nói được những từ có nghĩa như "mèo" khi thấy con mèo. Cả nhà hãy cùng dạy bé nói "cám ơn" hoặc "ạ" khi ai đó cho bé vật gì.

10. Con không bắt chước đâu (sau 12 tháng tuổi): Đây là thời kỳ mà trẻ học nói hay làm theo những hành động của người lớn. Bố mẹ là những hình mẫu đầu tiên để bé học hỏi. Chính vì vậy, sự ảnh hưởng ảnh hưởng từ bố, ông bà có tác động không nhỏ đến sự hình thành tính cách của trẻ sau này. Có nhiều bậc phụ huynh lại vô tình khen con khi trẻ bắt chước người khác nói những điều không hay. Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, hãy bắt đầu dạy bé nói nhưng từ trong sáng và lành mạnh ngay từ nhỏ, bạn nhé!

Theo Bibi.vn