Hè đến là số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long gia tăng. Phần lớn do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn, cũng như việc thiếu sân chơi vào dịp hè.
Bé H. T.H. té gãy xương đùi đang được bó bột cố định lần thứ hai - Ảnh: T.Lũy
Đến khoa ngoại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ những ngày cuối tháng sáu, có thể thấy ngay nhiều trẻ đủ mọi lứa tuổi bị quấn băng trắng ở tay chân, bụng, ngực... Tiếng la khóc của các em xen lẫn với vẻ mặt âu lo của các bà mẹ càng làm không khí bệnh viện ngột ngạt hơn. Bác sĩ Trần Văn Dễ, trưởng khoa ngoại, cho biết khoa chỉ có 40 giường nhưng lúc nào cũng kê 52 giường, nhất là những ngày nghỉ hè có khi phải nằm đôi; phòng mổ hoạt động liên tục bởi phải cấp cứu bệnh nhi bị tai nạn thương tích. Loại hình tai nạn cũng rất đa dạng, nhất là tai nạn do sinh hoạt trong gia đình bởi trẻ nghỉ học ở nhà không có người trông coi. Đứng đầu bảng tai nạn tại khoa ngoại là té ngã và tai nạn giao thông gãy tay, chân, bỏng do lửa và nước sôi... Theo bác sĩ Dễ, mỗi ngày có trung bình 15 trường hợp té gãy tay gãy chân nặng (trong đó có trường hợp trèo cây, chạy nhảy, tập xe đạp) phải điều trị nội trú, nhẹ hơn thì nắn rồi bó bột cho về. Dịp hè, nhiều trẻ được chở đi chơi bằng xe đạp bị kẹt chân vào căm xe, mỗi tuần tiếp nhận hơn mười trường hợp, những tai nạn loại này khó điều trị do trẻ có thể bị kẹp da dẫn đến hoại tử, phải ghép da. Không người trông coi Theo các bác sĩ, tai nạn trẻ em dịp hè thường gặp nhiều hơn đối với trẻ em vùng nông thôn vì các em nghỉ học ở nhà không người trông coi. Bé L.P.T., 4 tuổi, ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, nhập viện trong tình trạng bỏng nặng ở lưng, bụng, mông, chân, bộ phận sinh dục do té vào nồi hèm nấu rượu. Mẹ bé kể trong lúc cha bé đang lui cui nấu rượu, múc nồi hèm đang nấu ra ngoài, bé chạy đến chơi gần bếp lửa, người cha sợ con lại gần nên đẩy ra ngoài nhưng vô ý đẩy bé lọt vào nồi hèm. Bác sĩ Dễ nói bé T. phỏng đến 25%, đau la khóc rất dữ, bí tiểu, sau đó bé được hồi sức tích cực, dùng thuốc giảm đau và hiện đã tiểu được, tình trạng ổn. Ở phòng bó bột, gặp mẹ của bé H.T.H. ở quận Bình Thủy, Cần Thơ đang ôm con cho bác sĩ bó bột cố định chân phải và vùng bụng. Chị nói trong nước mắt: "Tui làm công nhân ở Khu công nghiệp Trà Nóc, không biết gửi con ở đâu nên hè đưa về nội ở Vĩnh Long chơi. Nó té gãy xương đùi lúc được chở đi bằng xe gắn máy dưới quê. Bó bột lần này là lần thứ hai rồi, tội nghiệp nó đau khóc la dữ lắm". Có thể hạn chế Trong tháng năm và tháng sáu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận trên 1.200 trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích, dẫn đầu vẫn là té ngã, tai nạn giao thông, phỏng. Tuy số lượng trẻ đuối nước đến đây ít hơn nhưng số trẻ tử vong do đuối nước lại khá cao. Bác sĩ Hà Anh Tuấn, trưởng khoa hồi sức cấp cứu, cảnh báo chỉ trong hai tháng hè đã có khoảng 12 trường hợp trẻ em ngạt nước đến bệnh viện, gần đây nhất đã có ít nhất ba trường hợp ngạt nước tử vong trước khi đưa đến bệnh viện. Phần lớn trẻ em đuối nước là do tắm sông hồ, kênh rạch hoặc chơi gần khu vực đó mà không có người lớn trông giữ. Nguyên nhân tử vong đối với trẻ bị ngạt nước, theo bác sĩ Hà Anh Tuấn, phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện sơ cấp cứu ban đầu. Sai lầm của nhiều người trong khi sơ cứu trẻ bị ngạt nước là tìm cách xốc nước cho trẻ bằng cách vác lên vai hoặc cầm chân xốc ngược lên. Để hạn chế tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là trong dịp nghỉ hè, các bác sĩ luôn đưa ra lời khuyên là gia đình nên hết sức thận trọng trong sinh hoạt hằng ngày. Giám sát thường xuyên các hoạt động của trẻ, đặc biệt không để trẻ leo trèo lên cao; chú ý tác nhân có thể gây bỏng là bếp gas, nước sôi, thức ăn đang nóng, kể cả vòi nước nóng, thau nước nóng ở phòng tắm. Không cho trẻ chơi gần ao, hồ, sông mà không có người lớn giám sát. Cộng đồng tăng cường điểm giữ trẻ, điểm vui chơi an toàn cho trẻ trong dịp hè. Cách hạn chế hiệu quả tình trạng chết đuối là dạy bơi cho tất cả trẻ em càng sớm càng tốt, ngay từ bậc tiểu học, bác sĩ Tuấn đề nghị. Theo Tuổi Trẻ |