Mười năm trời làm nhân viên cấp dưỡng của một trường mầm non, chị là lao động giỏi, được tăng lương thường xuyên, lại đang được tín nhiệm làm tổ trưởng tổ nấu ăn. Đùng một cái, chị nhận được quyết định buộc thôi việc của Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương.
Chị choáng váng. Sự việc tưởng nhỏ nhặt quá, chỉ là vài lần chị bận bịu, lu bu làm việc mà quên không mang mẫu lưu thức ăn nấu chín trong ngày bỏ vào tủ lạnh nằm trong văn phòng của hiệu trưởng. Sơ sót đó không gây ra hậu quả gì, chị cũng chưa kịp bị khiển trách, phê bình gì, vậy mà... Nhìn lại quyết định buộc thôi việc, chị thấy ngày ra quyết định này vượt xa thời hạn quy định 30 ngày trong Nghị định 35 của Chính phủ về thủ tục xử lý cán bộ, công chức. Quyết định cũng không ghi rõ căn cứ pháp luật nào đã được áp dụng để kỷ luật, không ghi rõ thời hạn áp dụng kỷ luật... Ấm ức, chị khởi kiện. Tại tòa, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương công nhận rằng hình thức xử lý buộc thôi việc đối với chị là quá nặng vì chị chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể là công việc của bếp ăn vẫn bình thường, không ảnh hưởng gì đến chất lượng bữa ăn và sức khỏe của các cháu. Thế nhưng chuyện đã rồi! Sở bảo mình chỉ ra quyết định “dựa trên đề xuất của hiệu trưởng và phòng giáo dục” mà thôi... Cả hai cấp tòa sơ thẩm rồi phúc thẩm mới đây cũng đều thừa nhận quyết định buộc thôi việc có sơ sót về mặt hình thức nhưng về mặt nội dung, bản chất sự việc thì không có gì thay đổi, không cần thiết phải hủy quyết định. Thế là chị thua kiện! Nghỉ việc rồi chị sẽ tìm việc khác nhưng liệu có trường nào, đơn vị nào sẽ chịu nhận chị - một cấp dưỡng có giấy chứng nhận nghề hẳn hoi vào nấu bếp ăn cho họ khi trong lý lịch chị đã có “tỳ vết” vì một chuyện không đáng? Theo Pháp Luật |