Kể từ ngày 15/7 sẽ có nhiều sản phẩm sữa của Enfa hay Dumex tiếp tục tăng giá mạnh. Trong khi trước đó, ngày 2/7, hệ thống siêu thị BigC, nhà phân phối cho Dutch Lady Việt Nam đã gửi thông báo tăng giá bán sữa lên 6%. Một số cửa hàng sữa trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thông (quận 3, TP HCM) cũng cho rằng, nhiều ngày qua các nhà phân phối sữa, trong đó có sữa Abbott liên tục thông báo hết hàng. Còn sữa Dumex Dulac có giá bán không đổi nhưng trọng lượng lại giảm… 100g/hộp so với trước. Các hãng sữa khác như Friso, Enfa tăng giá 5% - 15%, sữa Friso Gold loại (400g) tăng 6.000 đồng/hộp, sữa Friso Gold 1,2,3 tăng 10.500 đến 17.000 đồng/hộp… Theo các đại lý sữa thì, trong thông báo tăng giá sữa gửi tới các đại lý, nhà phân phối đưa ra hàng loạt lý do để tăng giá sữa trong tháng 7 này. Đó là, chi phí đầu vào, cước vận chuyển, bao bì… tăng mạnh, chênh lệch tỷ giá USD/VNĐ gây áp lực đối với doanh nghiệp nhập khẩu. Tương tự, với mặt hàng điện máy, điện lạnh, theo thông tin từ các nhà bán lẻ: Kể từ ngày 15/7, nhóm hàng điện máy, điện lạnh sản xuất trong nước của một số hãng nổi tiếng Toshiba, LG, Sanyo cũng sẽ tăng từ 2% - 3%; theo đó dược phẩm cũng tăng giá … Mức giảm đối với nhiều mặt hàng nhất hiện nay chủ yếu là lương thực, thực phẩm tươi sống và chế biến. Điển hình như Công ty Vissan thông báo giảm giá bán 1.000đ/kg thịt heo trong toàn hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng như các đại lý giới thiệu sản phẩm của Vissan (giảm 10.000 đ/kg so tháng 5). Tại hệ thống các siêu thị, nỗ lực bình ổn thị trường cũng được các siêu thị tính đến bằng cách thảo luận với các nhà cung cấp phân phối hàng cho siêu thị có giá thấp nhất, đồng thời siêu thị cũng chấp nhận giảm lợi nhuận để giảm giá, khuyến mãi hàng loạt mặt hàng từ các loại hóa mỹ phẩm, may mặc, thức uống... Ngoài ra, cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về việc bình ổn giá trên thị trường, ngày 8/7 một số công ty kinh doanh gas cũng giảm 250 đồng/kg gas, tương đương 3.000 đồng/bình 12 kg, đưa giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng còn 271.000 đồng/bình… Tại các chợ, các điểm bán lẻ, cửa hàng, lượng hàng từ các nguồn cung cấp về khá dồi dào và nhiều mặt hàng cũng đã giảm giá như: Gạo thường 10.000 - 11.000đ/kg; nàng Thơm, chợ Đào 15.000 - 17.000đ/kg… là giá ở mức thấp hơn nhiều so với những tháng trước đó do các tỉnh Nam Bộ đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Một số loại thịt gia súc, gia cầm tại các chợ đã giảm giá. Giá bán buôn của Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ giao cho các đại lý là 43.000đ/kg (giảm 3.500đ/kg) gà Tam hoàng. Tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, trong tuần qua lượng rau củ từ các nơi đổ về đạt 18.242 tấn (bình quân 2.606 tấn/ngày), tăng 17% so tuần trước đó. Giá một số loại rau củ giảm từ 400đ - 2.500đ/kg. Trái cây về chợ đạt 17.147 tấn (bình quân 2.450 tấn/ngày) tăng 34%... Nhìn chung, lượng hàng hóa trên thị trường hiện khá dồi dào, danh sách hàng giảm giá cũng ngày càng dài hơn nhưng sức mua tại các điểm mua sắm trên địa bàn TP không tăng. Mãi lực ở các chợ, siêu thị giảm 10% - 15% so với một tháng trước đó. Người tiêu dùng cho rằng, nguyên nhân là túi tiền ngày càng eo hẹp do một thời gian dài phải gánh nhiều thứ chi phí đội giá, sắp tới còn phải đón đầu với nhiều mặt hàng hăm he tăng giá. Vì vậy, cho dù giá cả các mặt hàng giảm nhiều, song vẫn chưa kích thích được sức mua của người tiêu dùng Theo CAND |