Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nên cho trẻ đội mũ bảo hiểm


 
Ông Greig Craft- chủ tịch Quỹ Phòng Chống Thương Vong Châu
Trước một số thông tin cho rằng trẻ em dưới 3 tuổi đội mũ bảo hiểm (MBH) sẽ ảnh hưởng tới cột sống vì mũ quá nặng và khi xảy ra tai nạn dây mũ có thể gây chấn thương cổ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu á (AIPF) xung quanh chủ đề này.

PV: Quan điểm của ông về những thông tin cho rằng không nên đội MBH cho trẻ dưới 3 tuổi vì dây cài có thể gây chấn thương?

Ông Greig Craft: Tôi thấy rất bức xúc khi biết được thông tin này trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một thông tin rất sai lầm. Cho đến bây giờ, trên thế giới vẫn chưa có một nghiên cứu nào, một kết luận nào chứng minh trẻ em sẽ bị tổn thương vùng cổ do dây MBH gây ra khi bị tai nạn giao thông (mà chỉ có những kết quả chứng nhận MBH đem lại hiệu quả bảo vệ bộ não cho trẻ khi bị tai nạn). Những hậu quả liên quan đến quai MBH chỉ là do người đội mũ đã cài lỏng quai mũ, vì vậy khi xảy ra tai nạn đã khiến mũ bảo hiểm bị văng ra khỏi đầu.

PV:
Khi AIPF khuyến cáo trẻ trên 6 tháng tuổi nên đội MBH khi ngồi trên xe gắn máy, các ông đã cân nhắc việc đầu và cổ của trẻ ở lứa tuổi này còn rất yếu?

Ông Greig Craft: Theo đánh giá của giáo sư nhi khoa Frederick Rivara (Đại học Washington) và giáo sư Phẫu thuật nhi khoa Martin R. Eichlberger (Đại học Georger Washington) - những thành viên đồng sáng lập AIPF thì hiện không có một dữ liệu nào chính thức kết luận phần cổ của trẻ em sẽ bị tổn thương nếu đội MBH được thiết kế đúng quy chuẩn và được cấp giấy chứng nhận chất lượng. (Xin lưu ý là hiện nay trên thị trường có nhiều mũ chưa được cấp giấy chứng nhận - NV). Hiện nay, MBH chuẩn của trẻ em là loại khá phổ biến trên thế giới, chúng được thiết kế rất gọn, nhẹ (nặng từ 100- 200gram), nên không thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển xương cổ của trẻ.

Sở dĩ, AIPF nhấn mạnh việc khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đội MBH cho trẻ trên 6 tháng khi ngồi trên xe máy vì nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nếu xảy ra tai nạn, trẻ em đang ngồi trên xe máy sẽ bị rơi xuống đường với khoảng cách gần 1,5m và vận tốc rơi là 19km/h. Với vận tốc này, sự va đập xuống mặt đường sẽ rất mạnh và có thể gây tử vong hoặc ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến não của trẻ. Nếu đứa trẻ không may qua đời, đó là một thiệt thòi. Nhưng nếu còn sống và bị chấn thương sọ não thì không có “thuốc” nào chữa được. Gánh nặng này không chỉ đứa trẻ phải chịu mà sẽ trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, MBH làm giảm nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não tới 69% và giảm nguy cơ chấn thương sọ não nghiêm trọng tới 79%. Kết quả này đúng cho mọi độ tuổi, kể cả trẻ em.

PV:
Với tư cách là người sáng lập hãng sản xuất MBH Protec tại VN, xin ông cho biết cách lựa chọn một MBH tốt cho trẻ em? Mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe đạp có thể dùng khi đi xe máy được không?

Ông Greig Craft:
Nói chung khi lựa chọn MBH cho trẻ em và cả người lớn, người mua nên chú ý đến lớp xốp bên trong. Vì lớp xốp này chính là bộ phận quan trọng nhất bảo vệ bộ não cho người sử dụng. Lưu ý, lớp xốp này phải có độ dầy, độ đậm đặc cao (ấn vào không thấy lõm), có khả năng hấp thụ xung động khi xảy ra va đập (khi va đập, mũ có tác dụng lan toả lực va đập ra xung quanh mũ, hạn chế lực va đập tập trung vào một điểm). Không nên quan tâm đến lớp vỏ bên ngoài vì lớp vỏ này chỉ có tác dụng trang trí. Hiện nay, ở thị trường Việt Nam có bán nhiều loại MBH có vỏ bọc bên ngoài khá chắc chắn nhưng bên trong chỉ có lớp xốp rất mỏng, chọc ngón tay vào có thể xuyên thủng lớp xốp. Tôi khuyên không nên mua loại mũ này vì chúng không có chức năng bảo vệ.

Việc đáng lưu tâm thứ hai khi mua mũ là phải kiểm tra khoá mũ. Khoá và dây mũ phải thật chắc chắn. Nếu không, khi xảy ra tai nạn, chiếc mũ có thể bị bật ra khỏi đầu. Nên lựa chọn chiếc mũ vừa vặn với đầu của người sử dụng. Khi cài khoá cũng không nên cài quá chật, hoặc quá lỏng. Cách tốt nhất là cài khoá dưới cằm và đội mũ ngay ngắn.

Bạn hỏi MBH xe đạp có thể đội khi đi xe máy không, tôi cho rằng không có vấn đề gì nếu đây là những mũ nhập khẩu từ châu Âu. Vì MBH xe đạp của các nước châu Âu có tiêu chuẩn rất cao và cơ bản là vận tốc tối đa cho người đi xe đạp ở châu Âu cũng được tính tới 80km/h.

PV: Xin cảm ơn ông!
M.Thúy (Thực hiện)

Chị Phạm Thị Thành (460 Thụy Khuê, Hà Nội)
Tại sao lại không đội MBH cho trẻ em cơ chứ? Nhìn những ông bố, bà mẹ đèo con đi xe máy, tôi thấy buồn cười khi bố mẹ thì đội mũ, con thì không. Chả lẽ con họ lại không cần bảo vệ.

Bản thân tôi, không phải bây giờ, khi nhà nước bắt buộc tôi mới đội MBH. Với con cái, tôi lại càng cẩn thận hơn. Khi chọn mua mũ cho con, bao giờ tôi cũng chọn cái tốt nhất, nhẹ nhất và phải đẹp nữa. Trẻ con bây giờ khôn lắm, không đẹp, nó không đội đâu.

Tôi luôn giáo dục, nhắc nhở con cái phải đội mũ. Con gái tôi mới 3 tuổi nhưng cứ hễ lên xe máy là đội mũ, không cần mẹ nhắc. Khi đi đường, nó còn thường xuyên thắc mắc người này, người kia sao không đội MBH?

Chị Hoàng Tuệ Phương (Du học sinh Australia )
Ở bên kia, không chỉ đi xe máy mà ngay cả đi xe đạp cũng phải đội MBH. Trẻ em ư? Làm gì có chuyện phân biệt trẻ em hay người lớn.

Cứ lên xe là phải đội MBH, đi ô tô là phải cài dây an toàn. Điều đó đã trở thành ý thức, không cần phải nhắc nhở hay chế tài xử phạt gì cả. Thực ra, ngoài việc đội MBH khi đi xe máy, ý thức người đi đường của ta kém lắm.

Người đi xe đạp thì ngang nhiên vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông, còn với người đi bộ thì cái vạch trắng băng qua đường gần như không có tác dụng.

Chị Nguyễn Đặng Quỳnh Anh (TP. Hồ Chí Minh):
Tôi chưa có con nhưng tôi nghĩ là trong thành phố, hay những đoạn đường ngắn thì không nhất thiết phải bắt trẻ đội MBH.

Qua báo đài tôi thấy thực ra mình cũng chưa có những nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của việc đội MBH lên hệ xương của trẻ nhỏ.

Cho trẻ đội MBH mà ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ thì nguy hiểm quá.

Cháu Doãn Phương Linh (Học sinh lớp 5 trường Tiểu học Khương Mai, Hà Nội)
Các bạn không đội tại sao cháu lại phải đội? Mẹ cháu cũng mua cho cháu một cái MBH của Thái Lan. Hồi đầu, cháu cũng đội hơn một tháng.

Nhưng sau đó, thấy trong lớp cháu chả có bạn nào đội mũ cả. Đi ngoài đường cháu cũng thấy trẻ em đều không đội mũ, nên cháu cũng không đội nữa.

Mẹ cháu bắt đội cháu cũng không chịu. Đội mũ vừa nóng, vừa nặng, mỏi cổ lắm.

Cháu Nguyễn Hoàng Thu Giang (Học sinh lớp 7 trường THCS Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội)
Cháu không thích đội MBH vì chả có cái nào đẹp cả.

Có những cái mũ đẹp thì toàn hàng ngoại nhập, bố mẹ cháu không cho mua vì không có tem bảo hành, không đảm bảo chất lượng, lại đắt nữa.

Mới cả đến lớp cũng không có chỗ để mũ. Khi nào bắt đội mũ thì cháu mới đội.


Thận trọng khi đội MBH

Bác sỹ Lý Ngọc Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Việt Đức cho biết, với tình trạng rất thiếu mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn cho trẻ em hiện nay, các bậc phụ huynh cần thận trọng khi đội mũ cho trẻ, đặc biệt là các bé dưới 3 tuổi.

Bác sỹ Liên cho biết cổ của trẻ em rất yếu, nếu không may bị ngã, lực kéo của MBH dễ gây chấn thương cổ cho trẻ. Hoặc nếu mũ quá nặng, trẻ không giữ vững đầu thì cũng không nên đội cho trẻ.

Bày tỏ quan điểm về việc có nên buộc trẻ em phải đội MBH khi ngồi trên môtô, xe gắn máy, bác sỹ Liên cho biết các cơ quan chức năng nên có khảo sát xem tỷ lệ trẻ em bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông là bao nhiêu, thị trường đã có đủ mũ chất lượng cho trẻ em hay chưa trước khi xiết chặt quy định này.

Chủ trương phải đi từ thực tế, bởi nếu các em buộc phải đội MBH kém chất lượng thì tác hại cũng vô cùng lớn. Theo bác sỹ Liên, chưa có bệnh nhân dưới 3 tuổi nào bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông mà chủ yếu là các bệnh nhân bị tai nạn do sinh hoạt.

Tiêu chuẩn VN: MBH trẻ em không được nặng quá 1,2 kg
Theo Tiêu chuẩn VN 6779: 2001, MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông trên mô tô và xe gắn máy được chế tạo theo 3 cỡ với vòng đầu 460mm, 480mm và 500mm. Khối lượng toàn bộ của mũ, kể cả các bộ phận kèm theo, đối với mũ che cả hàm thì nhỏ hơn hoặc bằng 1,2kg và không nặng quá 0,8kg với các loại còn lại.
Bề mặt phía ngoài của thân mũ và các bộ phận kèm theo phải nhẵn, không có vết nứt hoặc gờ, cạnh sắc. Đầu đinh tán không được cao hơn 2mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ, không được có các gờ cạnh nhọn, sắc.
Nhà sản xuất không được sử dụng các đinh tán có đầu nhọn, không được sử dụng các bulông ốc vít bằng kim loại để ghép nối các bộ phận của mũ... Một chiếc mũ đạt tiêu chuẩn cũng phải được ghi rõ các thông tin về tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; ngày, tháng, năm sản xuất…

Theo Báo GTVT