Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chữa bệnh chậm nói cho bé bằng châm cứu có hiệu quả không?


Ảnh minh họa
Thưa Bác sĩ, con trai tôi năm nay sắp được 3 tuổi, nhưng chưa nói đươc từ nào, tôi đã cho đi khám ở BV nhi TW thì bác sĩ bảo cháu bị chậm phát triển ngôn ngữ. Tôi muốn hỏi nếu tôi cho con đi châm cứa thì có giúp cho con trai tôi nói được không ạ? Tôi rất mong bác sĩ giải đáp giúp! (Nguyen Thu Hoai)

Trả lời:
Trẻ 3 tuổi đã có thể giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ; ông bà ta có câu: "Thỏ thẻ như trẻ lên ba". Nếu quá tuổi này mà trẻ chưa có khả năng trao đổi những điều thông thường nghĩa là đã bị chậm nói.

Trung bình trẻ 1 tuổi có thể sử dụng được khoảng 10 từ ngữ; lên 1 tuổi rưỡi có khoảng 30-40 từ. Từ 1 tuổi rưỡi tới 2 tuổi, vốn từ của trẻ tăng lên rất nhanh: khoảng 300 từ; từ 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi: trên 500 từ. Cuối năm thứ 3, vốn từ có thể đạt tới 1.200-1.500 và trẻ có thể trao đổi được bằng lời nói những điều thông thường trong sinh hoạt.

Đó là khả năng của những trẻ được phát triển trong "môi trường ngôn ngữ" tốt (cha mẹ chăm trò chuyện với trẻ, gia đình đông anh chị em, được gửi vườn trẻ...). Những trẻ ở vùng cao, vùng sâu, ít được tiếp xúc thì ngôn ngữ thường kém phát triển hơn. Những trẻ đẻ non, còi xương, thể tạng yếu đuối, suy dinh dưỡng... cũng thường chậm nói, đi kèm với chậm mọi phát triển về vận động khác (lẫy, bò, đi...).
Với trẻ chậm nói, cần phân biệt 2 khả năng về ngôn ngữ. Nếu trẻ vẫn hiểu được lời nói (chỉ đúng những gì ta hỏi như "tai đâu, mắt đâu..." và thực hiện đúng những mệnh lệnh giản đơn như lấy mũ, dép) thì đó chỉ là chậm nói đơn thuần. Nếu được giúp đỡ tốt, những trẻ này có thể phát triển lời nói rất nhanh để không bị chậm trễ về mặt ngôn ngữ khi đến tuổi đi học.
Ngược lại, những trẻ bị chậm cả diễn đạt lẫn cảm thụ ngôn ngữ thường có căn nguyên nghe kém hoặc chậm khôn; việc giúp đỡ sẽ khó khăn hơn nhiều. Trẻ nhất thiết phải được thầy thuốc chuyên khoa tai khám, đo sức nghe và đo chỉ số IQ.

Trước khi châm cứu, các bác sĩ phải giải thích cho gia đình bệnh nhân hiểu quy trình điện châm, cách điều trị giúp họ yên tâm. Có thể sử dụng điện châm, thủy châm kết hợp với xoa bóp bấm huyệt để kết quả đạt được tốt hơn.

Về điện châm: Châm cho trẻ ở hai tư thế nằm sấp và nằm ngửa. Hai tư thế này luân phiên nhau.

Ở tư thế nằm ngửa châm các huyệt sau: vùng đầu, mặt cổ châm các huyệt gồm bách hội, thái dương, suất cốc, phong trì. Chậm nói châm các huyệt: thượng liên tuyền, ngoại kiên tân, ngoại ngọc dịch, phong trì, á môn, uyển cốt để điều trị bệnh điếc I, điếc II. Ở tai châm thính cung xuyên nhĩ môn, ế phong, phong trì, á môn. Ở tay châm các huyệt như kiên tỉnh, kiên ngung xuyên tí nhu, khúc trì xuyên thủ tam lý, hợp cốc xuyên lao cung, bát tà. Ở chân châm các huyệt huyết hải, trung đô, túc tam lý, dương lăng tuyền, tam âm giao, thái khê, hành gian, thái xung...

Ở tư thế nằm sấp châm các huyệt: bách hội, á môn, phong trì, đại chùy, giáp tích, toàn bộ cột sống; tay châm khúc trì xuyên thủ tam lý, hợp cốc; chân châm huyệt trật biên xuyên hoàn kiêu, ân môn, ủy trung, thừa sơn, côn lôn, dương lăng tuyền, các huyệt du ở sau lưng.

Về thủy châm:
có thể sử dụng vitamin nhóm B trộn với novocain 3% thủy châm vào các huyệt. Thời gian điện châm và thủy châm kéo dài 30 phút/lần. Mỗi đợt điều trị kéo dài từ 20-30 ngày, sau đó bệnh nhi được nghỉ ngơi 2-4 tuần và quay lại điều trị cho đến khi khỏi bệnh.

Bạn nên đến Viện châm cứu Trung Ương để được tư vấn kĩ hơn về trường hợp của con bạn nhé.
Chúc bạn và bé sức khỏe.

Theo vnmedia.vn