Chạy trường, chạy lớp - chạy ai, ai chạy?
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội từ sau đổi mới, bức tranh văn hoá học đường có nhiều sáng sủa, nhưng cũng còn những mảng tối. Dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến thực trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giáo viên, từ việc nhận phong bì trong việc chạy trường chuyên, trường "điểm", lớp chọn; chạy bằng, đến bệnh "thành tích", gian lận trong thi cử... Còn một mảng tối trong văn hoá học đường là chính phụ huynh học sinh tìm đủ cách "chạy" cho con em đạt được cái mà con em họ không thể đạt được bằng thực lực. Dư luận xã hội thường chỉ quan tâm đến "đích ngắm" để chạy, mà dường như quên đặt câu hỏi: Chạy ai? Ai chạy? Rõ ràng rằng, có người nhận, phải có kẻ chi! Người dùng tiền để "chạy" các cửa phải được nhận diện: Là một số phụ huynh học sinh. Cuộc "chạy" marathon vào trường chuyên, lớp chọn, thậm chí cả vào các trường mẫu giáo nổi tiếng, đã diễn ra ngày càng quyết liệt, ngày càng phổ biến trước mỗi mùa nhập học. Cuộc "chạy" không phân biệt kẻ giàu, người nghèo, quyền cao chức trọng hay dân thường. "Chạy" tạo thành phản ứng dây chuyền gây tâm lý chung trong phụ huynh học sinh: Có "chạy", có hơn, dù ngay cả khi con em họ thực sự có năng lực. Dư luận xã hội từng biết đến những thông tin "vỉa hè": Vào trường A mất 10 vé, trường C (8 vé), trường K (5 vé)... nhưng không phải phụ huynh nào cũng dễ tìm thấy "cửa" để chạy. Phần lớn các "cửa thực" nằm sâu trong các mối quan hệ xã hội chằng chịt. Không ít phụ huynh "chạy" bằng mọi giá, lao cả vào "cửa ảo", hậu quả là "tiền mất, con trượt". Mượn gió bẻ măng, không ít kẻ lừa đảo đã dựng ra các đường dây "chạy" một cách liều lĩnh, thu bất chính hàng trăm triệu đồng, mà vụ việc "siêu chạy" trước cổng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (HN) vừa bị phanh phui là ví dụ điển hình. Còn nhiều vụ lộn xộn khác xảy ra mỗi mùa thi cử như trèo tường ném đáp án vào phòng thi, bỏ ra hàng chục triệu đồng thuê "thi hộ"... đã từng làm dư luận xã hội phẫn nộ. Mảng tối "chạy" đủ kiểu đã và đang diễn ra trong lĩnh vực GDĐT không thể và không phải chỉ do các giáo viên gây ra, dẫu biết rằng thầy cô là "đích ngắm" và đã bị mũi tên "tiền" nhắm vào. Thực trạng "chạy" này cần phải bị lên án mạnh và ngăn chặn kịp thời, để bức tranh văn hoá học đường sẽ trở nên sáng sủa, công bằng được lập lại, trí tuệ và nỗ lực của thế hệ trẻ thực sự được tôn vinh. Theo Lao Động |