Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xu hướng mới - Vợ làm chủ gia đình!


Ngày nay, con cái được cha mẹ chăm sóc nhiều hơn ở các thành phố lớn. Ảnh: HTD
Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng. Nếu như trước đây, đến 88,3% cho rằng phải có con trai, nay tỷ lệ đó chỉ còn 28%.

Hôm qua (26-6), lần đầu tiên Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổ chức UNICEF công bố kết quả điều tra toàn quốc về gia đình Việt Nam. Đây là cuộc điều tra đầu tiên tiến hành ở quy mô toàn quốc, thực hiện từ năm 2006 với hơn 9.300 hộ (2.364 hộ thành thị và 6.936 hộ nông thôn), tập trung vào ba đối tượng người lớn, trẻ em và các bậc cao tuổi.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, đang có sự thay đổi lớn về các giá trị và chuẩn mực trong các cặp gia đình hiện nay. Đó là chủ hộ của các gia đình là người vợ; tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hơn 20% các cặp vợ chồng có tình trạng bạo lực gia đình.

Vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần chồng!
Nhóm điều tra phát hiện số vụ ly hôn tăng nhanh theo các năm. Năm 2000: gần 52.000 vụ; 2001: 54.000 vụ; năm 2005: 65.929 vụ. Tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao gấp hai lần chồng (47% và 28%). Riêng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và đồng bằng Bắc bộ, 50% trường hợp do vợ đứng đơn.

Ngoài ra, tỷ lệ ly hôn, ly thân cao hơn ở nhóm có học vấn thấp. Nhóm những người tự mình quyết định hôn nhân, không hỏi ý kiến cha mẹ có tỷ lệ ly hôn cao gấp ba lần so với nhóm hỏi ý kiến cha mẹ, thậm chí do cha mẹ quyết định. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là mâu thuẫn về lối sống, ngoại tình và kinh tế gia đình. Tệ nạn xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Bà Maniza Zaman - Phó đại diện UNICEF tại Việt nam, người trực tiếp tham gia điều tra - cho biết hiện có khoảng 2,5% dân số (chủ yếu là nữ giới) sống độc thân. Bà Zaman nói rõ hơn, hai nguyên nhân hàng đầu của việc sống độc thân là không tìm được người phù hợp và do hoàn cảnh khó khăn. “Ngoài ra, có đến 13% người sống độc thân là do bản thân họ thích cuộc sống tự do. Đây chính là điểm khác biệt của Việt Nam với các nước phương Tây” - bà Zaman cho hay.

1/5 cặp vợ chồng bị bạo lực gia đình
PGS-TS Nguyễn Hữu Minh dẫn chứng lời một người vợ từng bị bạo lực: “Nhậu xong thì ông về hành tụi nhỏ… Ổng say thì thôi, tỉnh về thì ngược đãi vợ con, thậm chí con đi học thì bảo con bây giờ tao nghèo quá, tao lo không nổi, tao cho mày nghỉ học trong khi tiền học thì có con em tôi phụ rồi”. Theo ông Minh, đây là một trong hàng trăm trường hợp bị bạo lực gia đình.

Khi tiến hành điều tra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện hơn 21% cặp vợ (chồng) xảy ra các hiện tượng bạo lực như đánh, mắng, chửi, bị ép quan hệ tình dục. Những mâu thuẫn ngày càng khiến cuộc sống thêm ngột ngạt, căng thẳng, là yếu tố cơ bản dẫn đến bạo lực gia đình. Họ đã làm gì để giải quyết mâu thuẫn? Theo ông Minh, có ba giải pháp thường được các cặp vợ chồng áp dụng là “để lâu rồi qua”, “cả hai vợ chồng chủ động làm lành” hoặc vợ (chồng) làm lành trước.

Còn những trường hợp nhờ đến sự can thiệp của chính quyền, đoàn thể khi rất nghiêm trọng và nạn nhân lúc đó chủ yếu là người vợ.

Không nhất thiết phải có con trai
Theo kết quả điều tra, quan niệm về số con đã thay đổi đáng kể ở cả ba thế hệ. Chỉ có 18,6% người cao tuổi; 7% người từ 18 đến 60 tuổi và 2,8% vị thành niên nói rằng gia đình cần phải có nhiều con. Gần 50% hộ gia đình vẫn giữ quan niệm “phải có con trai” như khu vực Tây Bắc, Đông Nam bộ, Trung bộ. Họ giải thích: để có người kế thừa tài sản, để có sức lao động, để mọi người khỏi cười chê...

Tuy nhiên, xu hướng này đang giảm dần khi có sự tăng lên của thu nhập. Nếu như trước đây có đến 88,3% cho rằng phải có con trai, nay tỷ lệ đó chỉ còn 28%. Một phụ nữ tỉnh Dăk Lăk trả lời các cán bộ điều tra: “Bây giờ thì chúng nó hiểu rằng con trai cũng có nhiều đứa hư lắm, con gái nhiều đứa nó tốt lắm. Thời này thì con trai hay gái đều được”.

Cũng theo kết quả của cuộc điều tra, phụ nữ dành thời gian nhiều gấp sáu lần nam giới để chăm sóc con cái dưới 15 tuổi. Phụ nữ ở các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên có ít thời gian chăm sóc con nhất, nhiều nhất là vùng Đông Nam bộ. “Những người có thu nhập, học vấn cao thì mức độ chăm sóc con cũng cao hơn” - ông Jesper Morcho - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết. Ông cũng khuyên các bậc cha mẹ đừng bao giờ nói lý do như vậy với con cái, bởi đó là trách nhiệm bắt buộc của họ.

Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cuộc điều tra này cung cấp một bức tranh tương đối toàn diện về những thay đổi trong các mối quan hệ gia đình dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cũng theo ông Ái, thời gian tới những dữ liệu này sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất chính sách xây dựng các gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm nền tảng cho việc theo dõi, đánh giá sự phát triển của gia đình cũng như tạo tiền đề để cho những nghiên cứu tiếp theo về gia đình ở Việt Nam.

Xu hướng phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào những công việc vốn chỉ dành riêng cho nam giới. Ngược lại, nam giới cũng chia sẻ một số công việc được coi là của phụ nữ. Tuy nhiên, nhìn chung người chồng vẫn là người có quyền quyết định chính các việc trong gia đình.

Theo NLĐO