Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hung tính ở trẻ


Do hồn nhiên quá đà, thích tìm cảm giác lạ: thông thường những em này hay có các hành động chơi đùa như: kéo tóc, xô bạn ngã...

Các em quan niệm đùa cho vui nhưng không biết rằng làm như vậy sẽ khiến các bạn đau. Một điều nữa khiến trẻ có xu hướng bạo lực hơn đó là sở thích chọc phá những người xung quanh hoặc những con thú (chó, mèo, gà vịt hoặc là hổ, báo trong vườn thú ) để xem chúng phản ứng ra sao. Cảm giác mới mẻ này kích thích trẻ, khiến trẻ càng muốn thử nhiều lần.

Trách nhiệm của cha mẹ là phải gần gũi con hơn, nghiêm cấm những hành vi sai lầm của con và giải thích cho trẻ hiểu điều trẻ làm là không thể chấp nhận được.

Do trẻ ghen tị với các bạn: Thói ghen tị thường dẫn trẻ đến hung tính, vì chúng không muốn có ai hơn mình và tìm mọi cách để loại bỏ đối phương. Việc làm ấy có thể diễn ra một cách lén lút hoặc công khai (Ví dụ: giấu hoặc phá hỏng đồ dùng của bạn, cào cấu hoặc đánh bạn khi đang chơi cùng...). Lúc ấy, việc làm của cha mẹ là phát hiện kịp thời và ngăn chặn đúng lúc, trước khi thói xấu này xuất hiện và ăn vào tính cách của con mình.

Do tính kiêu ngạo, nếu trẻ có hành vi hung bạo đối với những người bạn yếu đuối hơn mình thì đó không xuất phát từ thói ghen tỵ mà là do tính tự kiêu của trẻ. Vì nó muốn cho đối phương biết nó là người ở trên cơ... Cha mẹ cần giảng giải để cho trẻ hiểu là tuy mình đẹp, giỏi, thông minh... nhưng vẫn phải biết yêu súc vật, cư xử hòa nhã với mọi người thì mới được các bạn nể phục, yêu mến.

Do trẻ có ý muốn trả thù. Đấy là nguyên nhân gần nhất để sinh ra hung tính ở trẻ. Có những đứa trẻ bản tính vốn hiền lành, nhưng bị một ai đó làm nhục phải ôm thù sâu sắc, thì đến khi có dịp chúng sẽ muốn loại trừ kẻ đã khiến chúng mang hận hoặc muốn làm cho kẻ đó phải mang mối nhục sâu nặng hơn mối nhục mà trẻ đã từng phải gánh chịu.

Hành động của trẻ lúc này là càng làm cho đối phương khổ sở về thể xác và tâm hồn càng tốt. Có thể đây là trường hợp trẻ hiểu rõ làm thế là xấu nhưng chúng vẫn tiến hành. Càng luôn để ý, quan tâm đến suy nghĩ và hành động của trẻ, kịp thời phát hiện nếu thấy trẻ có những dấu hiệu của sự ấm ức, nóng giận, tức tối thì cần nhanh chóng khuyên can, nếu cần giải quyết cùng trẻ những mối bất hòa, giúp trẻ trút bỏ được lòng thù hận và tránh được sự hằn học do việc trả thù đem tới.

Do sống trong môi trường gia đình bất hòa, cha mẹ không quan tâm đến con cái và phó mặc việc giáo dục con cho xã hội thậm chí trút nỗi giận vô cớ lên đầu chúng bằng những hành vi hung dữ thì việc chúng bị nhiễm những thói xấu ấy là đương nhiên. Các em ở hoàn cảnh này thường có những hành động bột phát không kiềm chế được bản thân, làm cho người khác đau đớn là thú vui của chúng. Những đứa trẻ phát triển lệch lạc về nhân cách như vậy thường dễ vướng vào các tệ nạn xã hội.

Khi trong gia đình có nguy cơ nảy sinh các mối bất hòa, cha mẹ nên nghĩ đến tương lai của con, cố gắng dứt bỏ những phiền muộn, hoặc giải quyết xung đột ở những nơi không có trẻ. Cố gắng dành nhiều tình yêu thương và sự chăm sóc tận tình cho trẻ hơn nữa, để các em không có cảm giác bị bỏ rơi và không dễ nảy sinh tính xấu.

Theo BIbi.Vn