Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

"Dùi mài kinh sử" vào... lớp 1


Dưới cái nắng như đổ lửa của mùa hè, nhiều cô cậu nhóc chuẩn bị bước vào lớp 1 vẫn phải "dùi mài kinh sử" trong các lò luyện chữ. Có em tập trung viết chữ thì quên dáng ngồi, có em cúi gằm sát vở chăm chăm tô...

Ốm cũng tranh thủ đi luyện chữ
Trong một phòng học bé tầm 8m² ở ngõ Thổ Quan (Khâm Thiên, Hà Nội), cô giáo Ng. (Trường tiểu học TT) đang luyện từng nét chữ cho gần 10 cháu chắc suất vào trường của cô năm nay. Mặc dù theo lịch, phải bắt đầu tháng 7 trường mới tuyển sinh, nhưng cả 10 cháu, vừa đúng tuyến, vừa trái tuyến, đã được cô khẳng định sẽ vào trường.

Lớp học chật chội, chiếc bảng bé xíu và những đứa trẻ lần đầu tiên cầm bút, lóng ngóng và vụng về. Có em tập trung viết chữ thì quên dáng ngồi, có em cúi gằm sát vở chăm chăm tô theo từng nét chấm bi màu đỏ của cô, để vẽ nên chữ, có em nhoài hết cả lên bàn mới viết được. Nhưng cũng có em ngồi chơi chờ cô đến cầm tay để viết. Có em bị ốm nhưng vẫn tranh thủ đi học nửa buổi rồi mẹ mới đến đón để đi khám bệnh. Như em K.

Cô giáo Ng. đang cầm tay trò nắn nót từng nét chữ. (Ảnh Hiền Lê)

Cô giáo Ng. tất bật với lớp học trò nhí, lúc thì nhắc bạn này ngồi thẳng lên, lúc thì nhắc bạn kia ngẩng cao đầu, lúc lại cầm tay đưa từng nét chữ cho học trò. Cô Ng. cho biết: Các em đến đây chủ yếu học viết chữ, học đọc, học cách trình bày vào vở.

Một lớp học luyện chữ vào lớp 1 ở đây kéo dài trong vòng 2 tháng, với học phí là 900 ngàn đồng/1 khóa, tuần học 3 buổi. Ngoài lớp buổi sáng, còn có một lớp học vào 18h30 đến 20h30, dạy liên tục từ thứ 2 đến thứ 6.

Giới phụ huynh còn rỉ tai nhau những lớp học luyện vào lớp 1 của cô giáo Phượng, cô giáo Lan Anh (trường tiểu học TT), nhưng khi chúng tôi gọi điện đến thì các lớp đều đã khai giảng và kín chỗ. Cô Phượng cho biết, từ tháng 5, các phụ huynh đã đăng ký hết các lớp, mặc dù các cô còn mở thêm các lớp ca 3, nhưng vẫn phải từ chối không ít lời đề nghị của phụ huynh.

Chị Hương Thu (Tây Hồ, Hà Nội) phải thuê một giáo viên về dạy cho con chị và 4 đứa trẻ cùng xóm, sắp bước vào lớp 1. Chị cho biết các lò bây giờ đã hết chỗ và cô giáo chỉ dạy chữ, dạy lại những gì các cháu đã được học ở trường mẫu giáo nhưng vẫn phải cho con học vì nhìn đâu cũng thấy phụ huynh cho con đi học thêm.

Điểm số làm khổ trẻ
Theo cô giáo Quỳnh Anh, trường tiểu học Phương Liên, trước đây, trước khi vào lớp 1, còn có lớp học vỡ lòng cho các cháu làm quen với chữ cái, con số. Nhưng nhiều năm trở lại đây, lớp học này bị xóa bỏ. Chính vì vậy, để trẻ bắt đầu vào lớp 1 mới làm quen với cách viết chữ, cách trình bày, cách đọc và các con số... rồi cộng thêm nhiều môn khác nữa, thì sẽ là quá tải cho trẻ. Do đó, việc cho các cháu học trước phần nào cũng có cái lợi của nó.

Tập trung tô từng nét chữ, nhiều em quên cả dáng ngồi chuẩn,
cứ cúi gằm mặt xuống bàn để viết. (Ảnh Hiền Lê)

Nhưng hiện nay, khá nhiều sở GD&ĐT cấm các trường tổ chức lớp học chuẩn bị vào lớp 1, nhằm đảm bảo công bằng, đảm bảo một mặt bằng chung về trình độ cho các cháu khi vào trường. Chính vì vậy, những lớp học thêm luyện vào lớp 1 hầu hết được tổ chức chui, và cách quảng cáo duy nhất vẫn là truyền miệng.

Còn theo ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ tiểu học Bộ GD&ĐT, việc phụ huynh đua nhau cho con đi học luyện vào lớp 1 là hậu quả của việc ngay từ lớp 1 đã có những áp lực không cần thiết do chính Bộ GD&ĐT tạo ra. Đó là quyết định thay đổi hình thức đánh giá từ nhận xét sang cho điểm ngay từ lớp 1.

Ông Hào nói: "Hồi tôi còn làm việc, Bộ GD&ĐT quy định học kỳ 1 năm lớp 1 chưa dùng điểm số để đánh giá học sinh, mà chỉ động viên, khuyến khích để các em làm quen với chữ, với số. Năm 2002, khi đưa sách mới vào, thì môn Toán và Tiếng Việt đã phải đánh giá bằng điểm số ngay. Chính vì vậy, gia đình nào cũng bị áp lực là bằng mọi cách phải cho con mình đạt điểm tốt nhất."

Theo ông Hào, thời gian đầu, khi mới bước vào lớp 1, chỉ nên động viên, khuyến khích trẻ hơn là chăm chăm đánh giá bằng điểm số, tránh có sự so sánh, chạy đua ngay từ lớp 1.

"Mùa hè nóng nực, hãy để các cháu nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý tốt nhất khi bắt đầu đi học, hơn là bắt các cháu chạy đua một cuộc đua chưa nhìn thấy hồi kết, đó là điều rất nhiều người mong đợi", ông Hào nhấn mạnh.

Theo Tin Tức