Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có cần rèn luyện trí năng cho trẻ?


Trong độ tuổi từ 1,5 đến 3 tuổi, trẻ nhỏ vô cùng ham hiểu biết.
Rèn luyện trí năng cho trẻ từ bé ư? Có nhiều ý kiến trái ngược nhau: “Dào ôi, con tôi đẻ ra khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, phát triển chiều cao, cân nặng tốt thế là OK rồi. Dạy dỗ sớm làm gì cho nó mệt. Mà rồi nó cũng quên ngay ý mà! Bao giờ đi học các cô khắc dạy hết”; “Phải dạy chứ, dạy càng sớm càng tốt, sau này lớn lên nó mới tích lũy đủ vốn tri thức mà đua tranh với đời. Trẻ con bây giờ học nhiều biết nhiều, không chuẩn bị sớm, con mình sẽ không theo kịp chúng bạn đâu”. Thật ra, đâu là chân lý?
Rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh được rằng trẻ em trong vòng 6 năm đầu tiên của cuộc đời phát triển tâm sinh lý một cách mạnh mẽ nhất, có khả năng một lượng kiến thức và kỹ năng hành động lớn với tốc độ đáng ngạc nhiên, chỉ cần chúng ta bắt được nhịp phát triển ấy, không để lỡ cơ hội dạy dỗ trẻ thì trong tương lai chúng chính là những thần đồng thực sự.

Nhà nghiên cứu tâm lý trẻ, đồng thời là nhà giáo pháp học nổi tiếng người Pháp Glen Doman đã đề ra những nguyên tắc cơ bản trong việc phát triển trí tuệ sớm cho trẻ nhỏ như sau:

Người thầy tốt nhất đối với trẻ: cha mẹ
Học mà chơi, chơi mà học. Nhưng trò chơi nào cũng cần phải dừng lại trước khi trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, có nghĩa là thời lượng của trò chơi được tính toán thật kỹ lưỡng đối với từng bé.
Không cần và không nên “kiểm tra bài” hoặc thử thách trẻ.
Các kiến thức đưa đến cho trẻ bằng hình thức trò chơi hấp dẫn, mới lạ và nhanh.
Từ 4 nguyên tắc cơ bản ấy, những người cha, người mẹ quan tâm đến con mình sẽ tìm được những bước tiếp cận thích hợp, kích thích được sự tò mò, ham học hỏi của bé, phát triển được trí tưởng tượng và vốn từ vựng phong phú, rèn luyện cho trẻ lối suy nghĩ logic và sáng tạo, ngoài ra tạo cho trẻ sự hoạt bát nhanh nhạy trong hành động. Đó chính là tạo ra “thần đồng” một cách đúng nghĩa, hoặc nói cách khác giúp trẻ phát triển trí năng sớm.

Nghiên cứu các phương pháp của nhà khoa học Doman, chúng tôi, những nhà giáo dục học đồng thời là những người làm bố làm mẹ, với lòng yêu con, yêu trẻ, xin cung cấp thêm với bạn đọc một vài kinh nghiệm rèn luyện trí năng cho bé. Nguyên tắc cơ bản của chúng tôi là:

1. Từ khi mới chào đời, đứa trẻ đã là một cá thể trong xã hội, là một con người nhỏ bé có suy nghĩ, có tình cảm chứ không phải là một sinh linh vô thức. Bố mẹ hãy đối xử với con mình một cách trân trọng, hãy trò chuyện với bé, cho bé làm quen với thế giới xung quanh trong câu chuyện, hàng ngày, giải thích mọi việc đang xảy ra một cách nhẹ nhàng, và hãy tin là bé hiểu hết và thu nhận hết những gì bạn nói

2. Không việc gì phải sợ sự “quá tải”. Vì lo con mình còn bé, chưa hiểu hết mọi sự, nhiều khi bố mẹ không dám đả động đến những vấn đề khó hiểu hoặc không dám nói những từ quá phức tạp.

Thật ra, trong độ tuổi từ 1,5 đến 3 tuổi, trẻ nhỏ vô cùng ham hiểu biết. Chúng có khả năng thu nhận thông tin nhiều hơn bố mẹ tưởng. Vì thế, hãy từng bước mở rộng đề tài nói chuyện với con, đừng để chúng thất vọng vì những câu trả lời đơn giản không màu sắc.

3. Không nên ép buộc trẻ. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được bé có thích thú trò chơi hoặc câu chuyện bạn đang kể hay không. Nếu thấy trẻ không tập trung, bạn hãy dừng ngay đề tài đó.

4. Một nguyên tắc quan trọng: mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không nên theo bất kỳ kiểu mẫu nào một cách cứng nhắc. Có trẻ thích trò xếp hình, ưa sự chính xác và trí tưởng tượng phong phú, rất ghép xếp hình theo mẫu mà mê trò đóng kịch, chơi đồ hàng… Bố mẹ là người xác định thiên bẩm của con để “cung cấp” các thông tin, các bài học – trò chơi đúng hướng.

5. Thật ra từ “thần đồng” ở đây chúng ta nên đặt trong ngoặc kép. Mục đích của chúng ta không phải là đào tạo thiên tài bằng mọi giá. Nếu nghĩ theo hướng đó, mọi tư duy để giúp trẻ phát triển trí tuệ sớm sẽ là sai lệch, thậm chí bệnh hoạn. Thật ra chúng ta cần đặt mục đích hàng đầu là sớm đem đến cho con những kiến thức về xã hội, tự nhiên, dạy con cách ứng xử với thiên nhiên, với con người, cách suy nghĩ có tình, có lý… là nền tảng để xây dựng một phần nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi con người.

6. Tất cả mọi trò chơi, cuộc nói chuyện, bài học đều phải dừng lại đúng lúc, khi ở cao trào, nghĩa là lúc trẻ đang rất hưng phấn, khi trẻ làm được một việc tốt, nắm bắt được một kỹ năng gì đó một cách nhanh chóng và thuần thục, bài học cần khép lại ngay với những lời khen tặng nhiệt tình của bố mẹ.

7. Bạn có thể bắt đầu câu chuyện về thế giới này với trẻ vừa ra đời. Song nếu như đến khi trẻ đã lên 3 bạn mới ý thức được chuyện này là cần thiết thì sự bắt đầu cũng không phải muộn màng. Bởi lẽ những gì bố mẹ kể với con, cùng con chơi đùa, cùng con nắm bắt kiến thức, thực hành các kỹ năng… sẽ là sự tích cóp hàng ngày, với thời gian chúng sẽ làm nên kiến thức, làm nên một trí tuệ và tình cảm của một con người.

Theo Bibi.Vn