Chuyện những đứa trẻ “nghiện” truyền hình
Chậm nói vì… quảng cáo Đã gần 3 tuổi nhưng cậu bé Lê Minh, con chị Trần Thu Hà (Văn Điển - Hà Nội) vẫn chỉ ú ớ được vài câu gọi bố mẹ. Mặc cho mọi người ra sức kiên nhẫn dạy bé những câu nói ngắn, cậu bé chỉ mở to đôi mắt nhìn vào miệng người lớn rồi thờ ơ quay lại với màn hình ti vi luôn bật 24/24 trong phòng khách. Cùng cảnh với chị Hà, vợ chồng anh Minh Quang (Nghĩa Tân- Cầu Giấy) cũng mang nặng nỗi khổ tâm khi cô con gái đã hơn 2 tuổi của họ không chịu tập nói. Nó chỉ u ơ cười vui và tỏ vẻ phấn khích khi được xem các chương trình quảng cáo trên truyền hình. Mà quảng cáo thì rất sẵn, bật kênh nào chẳng có. Chính vì vậy, khách đến nhà anh Quang chơi rất dễ bắt gặp một bé gái ngồi im lặng nhiều giờ, chăm chú xem ti vi. Phán đoán của hàng xóm cho rằng có thể bé bị… câm bẩm sinh hoặc bị trầm cảm khiến anh chị ăn không ngon, ngủ không yên. Lần lữa mãi rồi họ cũng quyết định đưa con đến Khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi T.Ư để khám. Tại đây, họ bắt gặp rất nhiều đứa trẻ không chịu nói giống con họ. Tất cả đều “ngã ngửa” sau khi bác sĩ đã thăm khám và cho biết một trong những nguyên nhân quan trọng khiến con họ không nói được là do cái…ti vi! TS Trần Thị Thu Hà, khoa Phục hồi chức năng - Viện Nhi T.Ư cho hay: "Hiện càng ngày càng xuất hiện nhiều trẻ lên 2, lên 3 thậm chí lên 5 tuổi mà vẫn chưa biết nói. Chiếm số đông trẻ dạng này đều là những trẻ "mê" truyền hình. Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận, trẻ mới được vài tháng tuổi đã được cho “làm quen” với truyền hình, rồi từ đó, mọi sinh hoạt của trẻ đều phụ thuộc vào các chương trình của nhà đài. Nhiều người cho rằng truyền hình là một công cụ tốt để giúp trẻ trở nên ngoan hơn. Chị Thanh, Thị xã Hải Dương cho biết: “Cu con nhà chị lúc hơn 1 tuổi rất hiếu động, quậy phá và hay hò hét. Vậy mà từ khi cho xem truyền hình lại ngoan ngoãn, rất thích ngồi yên và không hề hé miệng nói nửa lời cho đến tận… bây giờ, tức là khi đã tròn 4 tuổi!” Nhiều bậc cha mẹ khác cũng thừa nhận, truyền hình đã trở thành "một phần tất yếu" trong bữa ăn của trẻ. Nhiều trẻ chỉ chịu ăn khi đang mải say sưa với tiếng hát của Xuân Mai hoặc những bộ phim hoạt hình. Một số ông bố cũng thành thật kể với bác sĩ là họ rất mê phim đánh đấm, chơi game online... nên đã tranh thủ vừa bế con vừa giải trí. Họ nghĩ rằng trẻ nhỏ chưa biết gì nên không sao! Ởnhà đã vậy, khi đến nhà trẻ và trường mẫu giáo, trẻ cũng được cho xem truyền hình thường xuyên. Ảnh hưởng xấu đến phát triển tự nhiên của trẻ Theo TS Trần Thị Thu Hà, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm nói hoặc không nói (câm) như: trầm cảm, yếu tố di truyền… Tuy nhiên, trong vài năm gần đây số trẻ chậm nói vì ảnh hưởng bởi các chương trình truyền hình ngày càng gia tăng nhanh chóng. Giải thích về ảnh hưởng của truyền hình đối với trẻ nhỏ BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư nói: “Trẻ xem truyền hình nhiều sẽ chỉ có thông tin một chiều. Có thể trẻ vẫn nghe hiểu tốt nhưng không có phản xạ ngược lại và lâu dần sẽ làm chậm nói". Với trẻ nhỏ, những âm thanh ở truyền hình thường tác động quá mức tới màng nhĩ của trẻ khiến chúng bị kích thích liên tục dẫn đến hiện tượng khóc đêm, rối loạn giấc ngủ, biếng ăn, không tăng trưởng, chậm phát triển nhận thức. Còn những bộ phim có hình ảnh “mát mẻ” của người lớn vẫn coi là bình thường sẽ làm trẻ 2 - 3 tuổi có những hành động bắt chước vô thức, lâu dần tạo thành thói quen xấu”. Bên cạnh đó, trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ sẽ kéo theo chậm phát triển về trí tuệ do không được cọ xát với các tình huống cần tới sự phản ứng. Bên cạnh đó, chúng còn có nguy cơ mắc bệnh béo phì, cận thị, hiếu động... Theo lời khuyên của các nhà nghiên cứu, trẻ dưới 2 tuổi không nên xem truyền hình vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trẻ 2 - 5 tuổi cũng chỉ nên xem tối đa 1 giờ/ngày. Ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ có thể tiếp cận với chữ số và âm nhạc trong các chương trình dành cho thiếu nhi nhưng với điều kiện là phải có người thân giao tiếp với trẻ và trong một thời gian nhất định. Sau đó nên luyện cho trẻ qua nhiều hình thức như nghe đọc chuyện hoặc chơi. “Nên cho trẻ giải trí bằng những sinh hoạt bổ ích như: đọc sách, kể chuyện, chơi thể thao ngoài trời, tô màu, nấu ăn, trò chơi lắp ráp, chơi với bạn cùng lứa tuổi. Từ khi trẻ khoảng 9 tháng, nên để trẻ tập nói dần. Chúng bắt đầu xâu chuỗi những âm khác nhau của lời nói để có thể tạo ra những tiếng đơn giản “ma”, “ba”. Nếu quá 12 tháng tuổi mà thấy trẻ xem tivi một cách chăm chú, không có phản ứng gì với âm thanh thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bé bị mất thính giác”, BS Lộc cảnh báo. Theo Dân Trí |