Bé yêu của bạn 2 tuổi và trở nên ‘thô lỗ’ mỗi lần bé cáu giận. Lúc đó bé thường đánh bạn và đuổi bạn đi chỗ khác. Làm thế nào để bạn có thể sửa tật xấu này cho bé?
Theo chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ Penelope Leach, bé có quyền dùng cơ thể mình để biểu lộ những cảm xúc của bé, tuy nhiên bé không có quyền làm đau người khác. Cho dù bình thường, bạn có thể bỏ qua những cách cư xử không tốt của bé nhưng với trường hợp này thì khác. Bạn cần phải chấm dứt ngay việc để bé đánh bạn mỗi khi bé tức giận. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là mỗi khi bé đánh bạn thì bạn đánh lại bé. Nếu bé đánh bạn và bạn “phát” lại vào mông bé hoặc dùng vũ lực để khống chế bé thì bạn sẽ chỉ dạy bé rằng việc đánh hay làm tổn thương ai đó là một cách có thể chấp nhận để biểu lộ cảm xúc của bé cũng như để đạt được những gì bé muốn. Thay vì thế, bạn nên cầm tay bé và nói: “Con không được đánh mẹ. Mẹ biết là con tức giận, nhưng chúng ta không đánh mọi người. Đánh người khác sẽ làm họ đau.” Nếu bạn đoán trước được bé sẽ đánh bạn thì bạn phải ngăn bé lại trước và kiên quyết nói “Con không được thế!” với bé. Một số chuyên gia cho rằng, mỗi khi bé tức giận, bạn và chồng bạn có thể gợi ý một cách “xả giận” vô hại cho bé bằng cách đánh, đấm, đá … vào một chiếc gối đặc biệt. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu tâm lý trẻ Penelope, cách này là một sai lầm. Giận dữ là một cảm xúc, mà cảm xúc thì không có khái niệm “xả cho hết”. Thực tế là, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra khá rõ ràng rằng, những hành động “bạo lực vô hại” có ý nghĩa trái ngược nhau về mọi mặt. Một đứa bé chỉ mới chập chững đi đã được khuyến khích đánh vào gối mỗi khi tức giận thường sẽ có xu hướng xem hành động bạo lực với người khác là một sự lựa chọn có thể chấp nhận được. Khi bé đã qua cơn giận, bạn cần đảm bảo để bé hiểu được rằng, không phải là bạn phản đối cơn giận của bé mà bạn chỉ phản đối cách bày tỏ sự giận dữ của bé. Bạn cũng đừng nên nói với bé rằng bé không được tức giận hay không được bày tỏ thái độ giận dữ. Đơn giản là bạn thừa nhận những cảm xúc của bé và thậm chí, nếu có thể, bạn hãy nhẹ nhàng với những cơn giận của bé hơn. Tuy nhiên, ngay sau đó bạn phải nhắc nhở bé rằng, tốt nhất bé hãy dùng những từ ngữ để nói cho bạn hiểu tại sao bé lại tức giận và buồn bã. Bạn có thể giúp đỡ bé luyện tập việc thể hiện sự giận dữ theo cách mới này. Chỉ ra cho bé thấy rằng, khi bé nói về cơn giận dữ, cho dù nguyên nhân làm bé bực mình có là gì đi nữa thì cả bạn và bé có thể cùng tìm cách cách giải quyết được vấn đề. ( Theo Mẹ và Bé. net ) |