Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh đường ruột ở trẻ có liên quan đến chế độ ăn dặm


Không nên cho trẻ ăn những bữa ăn dặm có nguồn gốc từ ngũ cốc quá sớm để tránh vấn đề bệnh đường ruột ở trẻ sau này, các nhà khoa học tại Trường ĐH Colorado (Mỹ) cho biết. Trẻ sẽ ít phát triển chứng bệnh tiêu chảy mỡ, một bệnh trong đó ruột non tiêu hóa và hấp thụ kém thức ăn, nếu bố mẹ không cho chúng ăn ngũ cốc cho đến khi chúng được 4-6 tháng tuổi. Bệnh tiêu chảy mỡ do các protein có trong ngũ cốc gây ra, do sự nhạy cảm của màng ruột đối với các chất đạm gliadin có chứa trong gluten trong mầm lúa mì và lúa mạch đen, và là nguyên nhân gây ra teo các tế bào tiêu hóa và hấp thụ của ruột. Nghiên cứu thực hiện trên 1.500 trẻ nhận thấy khi cho trẻ dùng lúa mì có chứa gluten ở 3 tháng đầu tiên sau khi sinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy mỡ gấp 5 lần. Theo các nhà nghiên cứu, gluten gây dị ứng khi nó đi vào màng ruột, nó có thể được chấp nhận bởi các tế bào miễn dịch của cơ thể. Ở trẻ nhỏ, nhất là trong 3 tháng đầu sau khi sinh, màng ruột chưa được hoàn chỉnh như ở tuổi lớn hơn, do đó cho phép gliadin đi qua mặc dù chỉ với một lượng rất ít và đi vào bên trong. Cách chữa trị cho chứng bệnh này là chế độ ăn không có gluten, tức là loại trừ các thức ăn bao gồm lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen khỏi chế độ ăn của trẻ. Tuổi Trẻ