RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder) Rối loạn tăng động giảm chú ý ( ADHD) là bệnh lý thường gặp chiếm tỉ lệ 3-6% ở trẻ em. Rối loạn này thường khởi phát sớm và kéo dài với các biểu hiện như: hoạt động quá mức, khó kiểm soát hành vi, kém khả năng tập trung chú ý gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập và trong các mối quan hệ xã hội.
Người ta thường nghĩ rằng có những bất thường về thể chất đóng vai trò chủ yếu trong sự phát sinh ADHD. Nhưng nguyên nhân đặc hiệu thì hiện nay chưa được xác định rõ. Mô tả đặc điểm lâm sàng: - Sự hoạt động thái hóa: Trẻ hoạt động liên tục, múa tay chân, chạy nhảy leo trèo, không ngồi yên một chỗ, thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác… - Sự tập trung chú ý kém: khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong học tập, làm việc, sinh hoạt hàng ngày và ngay trong lúc vui chơi. Trẻ thường không lắng nghe khi người khác nói chuyện trực tiếp hoặc đưa ra câu trả lời trước khi nghe hết câu hỏi; không thể hoàn thành bài tập ở trường và ở nhà; dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh; hay để quên và làm thất lạc đồ đạc. - Phối hợp, kiểm soát động tác kém: Trẻ hoạt động mang tính chất xung động tức thì, thường hay gây ồn ào, làm phiền người khác quá mức. - Những rối loạn hành vi khác đi kèm theo như: rối loạn giấc ngủ (thường là trẻ rất khó đi vào giấc ngủ), rối loạn lo âu... - Các rối loạn này có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào từng trẻ và môi trường xung quanh tác động đến trẻ. Các rối loạn nêu trên xảy ra ở mọi nơi (ở nhà, trường học, bệnh viện, nơi công cộng…),trong mọi hoàn cảnh, trong tất cả các mối quan hệ trong khoảng thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng. ADHD thường xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của trẻ (thông thường là trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời). Mức độ thay đổi theo từng cá nhân, nhưng có khuynh hướng giảm dần (ít nhất là trên vấn đề vận động) vào tuổi thiếu niên. Trong thực tế thì trẻ thường khó thích nghi được với môi trường trường học. Những trẻ em tăng động thường hay có hành động dại dột, thiếu kiểm soát và hay để xảy ra tai nạn. Bản thân trẻ thường hay vi phạm kỷ luật do thiếu tôn trọng các quy tắc trong gia đình và trong trường học. Sự vi phạm kỷ luật này thường là do trẻ chóng quên và hành dộng thiếu suy nghĩ hơn là cố tình chống đối. Trong mối quan hệ xã hội, trẻ thường hay thiếu kiềm chế, không thận trọng, thường hay làm phiền nên không được trẻ em khác thừa nhận và dễ bị cô lập. Những thiếu sót về chức năng nhận thức - vận động dẫn đến rối loạn phát triển ngôn ngữ, suy giảm khả năng học tập, rối loạn hành vi chống đối xã hội. Có rất nhiều phương pháp phối hợp trị liệu như: các biện pháp tâm lý - giáo dục, tâm vận động, trị liệu hành vi, trị liệu nhận thức - hành vi… Trong các trường hợp mà các triệu chứng rối loạn nghiêm trọng có thể dùng liệu pháp hóa trị liệu. (Theo benhviennhi.org.vn) |