Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hà Nội: Axit được đổ vào bể bơi?


Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nhiều bể bơi đã sử dụng hóa chất thô được tinh chế, đó là axit Clohiđric (HCl) để diệt rêu và các chất bẩn, gây ra các bệnh khô da, rụng tóc...

Quá tải + giá vé tăng 10 - 15%
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô có 43 bể bơi, trong đó 3 bể bơi đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trước mắt phải tạm ngừng hoạt động, còn lại phần lớn bể bơi cũng đang trong tình trạng xuống cấp nhưng vẫn cố hoạt động cầm chừng.

Dạo qua một số bể bơi trên địa bàn Hà Nội như Cầu Giấy, Thái Hà, Tăng Bạt Hổ... đều bắt gặp tình trạng quá tải.

Mới 4 giờ chiều, một bể bơi tại Q. Cầu Giấy đã nghịt khách đến bơi lội, tập thể dục thể thao để tránh cái nóng nực của mùa hè. Chị Minh, nhân viên bán vé tại bể bơi cho biết: "Những ngày bình thường, bể bơi chúng em chỉ 1 người bán vé là đủ, nhưng từ giữa tháng 5 đến nay, luôn phải tăng cường thêm nhân viên bán vé, nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ… để phục vụ khách".

Được biết, bể bơi Cầu Giấy mở cửa sáng từ 6h - 9h30, chiều từ 4 giờ đến 19 giờ 30. Giá vé bơi theo buổi gồm 30.000đ/ người lớn (vé tháng 600.000đ); 15.000đ/trẻ em (400.000đ/tháng).

Tại bể bơi Thái Hà, các khu dịch vụ ăn uống, cho thuê quần áo… cũng trong tình trạng “quá tải” tương tự, cung không theo kịp cầu.

Mùa hè năm nay, bể bơi Thái Hà ngoài phục vụ dịch vụ ăn uống, cho thuê quần áo, còn trang bị thêm nhà che nắng cho khách. Chính vì vậy, sau mỗi buổi chiều nắng nóng, nhiệt độ ngoài bể vẫn không bị tăng cao.

Theo một nhân viên phục vụ tại đây, vào giờ cao điểm nhất, khoảng từ 4h đến 19h, có hôm số lượt khách đến bơi lên tới trên 2.000 người... Thông thường, bể bơi mở cửa buổi sáng từ 5 giờ 30 – 8 giờ 30; chiều từ 15 giờ - 19 giờ. Giá vé 15.000đ/người lớn/ca 45 phút (vé tháng: 250.000đ/người).

Qua khảo sát tại nhiều bể bơi, giá vé mùa hè năm nay đồng loạt tăng từ 3.000 - 5.000đ/vé so với năm trước. Các nhân viên phục vụ tại những bể bơi này lý giải, ngoài nguyên nhân giá cả ngoài thị trường tăng, phí dịch vụ tăng cao hơn còn vì các bể bơi vừa đầu tư nâng cấp trang thiết bị, một số hạng mục công trình…

Và những nguy cơ tiềm ẩn…
Để đảm bảo cho người bơi, các nhân viên y tế tại các bể bơi khuyến cáo: Nếu là trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần lưu ý trước khi bơi phải dội nước cho trẻ ướt hết người mới xuống bể. Đồng thời, phải khởi động các khớp cổ chân tay, để giúp cơ thể mềm dẻo, tránh chuột rút…

Với người lớn, đặc biệt là những trường hợp mắc các chứng bệnh huyết áp, tim mạch, thần kinh…, cần phải thận trọng trước khi xuống nước.

Ngoài ra, theo khuyến cáo, những người đã sử dụng chất kích thích như rượu, bia… thì cũng không nên xuống bể bơi. Nên bơi vào những thời điểm đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều sẽ rất có lợi cho sức khoẻ, tránh bơi vào những giờ nắng nóng, khi đó nhiệt độ cơ thể lên cao, mồ hôi cơ thể ra nhiều gặp nước sẽ bị mất thân nhiệt dẫn đến cảm đột ngột…

Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, thông thường để diệt rêu và các chất bẩn, các bể bơi phải dùng loại hóa chất Clo, tuy nhiên, sử dụng loại hóa chất này sẽ rất mất thời gian. Vì vậy, nhiều bể bơi đã sử dụng hóa chất thô được tinh chế, đó là axit Clohiđric (HCl).

Loại hoá chất này sẽ giúp nguồn nước bể bơi sẽ được xử lý nhanh chóng nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh da khô, rụng tóc… Vì vậy, sau một thời gian đi bơi, nhiều người đã phải tìm đến các phòng khám, bác sĩ da liễu.

Ngoài các vấn đề trên, tình trạng lộn xộn tại các bể bơi dẫn tới bị mất cắp đồ đạc, tài sản của khách hàng cũng diễn ra khá phổ biến.

Theo NLĐ