Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Câu chuyện về những “chú gà gô”


 
Ảnh: sưu tầm
Ở nhiều thành thị hiện nay, xuất hiện nhiều cô bé, cậu bé không biết làm những việc đơn giản nhất.
Các em hoàn toàn thụ động với cuộc sống xung quanh. Nhiều người gọi đó là những chú gà gô…

Trong nhà có những “cái máy"
Cái máy đầu tiên phải kể đến của nhiều gia đình hiện nay đó là người giúp việc. Chẳng có mấy chủ nhà nào lại đi làm những công việc thuộc phần việc của Ôsin. Nếu phải làm thì họ thuê người giúp việc làm gì. Chính vì thế mà khi trong nhà có “cái máy” này thì người lớn cũng không mấy khi cần biết đến những việc trong nhà.

Còn trẻ con thì sao? Trẻ con là những người làm một phần việc lớn mà người giúp việc thường làm mỗi ngày. Khi em ngủ dậy thì nhớ pha sữa cho em uống, gọt hoa quả cho em ăn. Nhớ thay quần áo cho em đi học, quàng khăn đỏ cho em. Gọi xe ôm cho em đi lớp, gỡ xương cá cho em ăn cơm, lấy nước cho em uống. Dọn cho em cái bàn học, soạn sách vở cho em, mắc màn, tắt điện cho em ngủ… Những lời dặn này giống như một “điệp khúc” quen thuộc mà nhiều chủ nhà nhắc nhở người giúp việc mỗi ngày. Và đương nhiên, trong những trường hợp như thế thì đứa trẻ trở thành những “ông vua con” không phải động tay động chân đến bất cứ việc gì, kể cả những việc vệ sinh cá nhân. Cái máy người giúp việc này còn mang lại cho đứa trẻ tâm lý thích sai khiến người khác. Vì trước mặt đứa trẻ, nhiều ông chủ, bà chủ buông những lời răn đe: Đừng làm em nó nổi cáu, nó muốn gì thì làm cho nó…

Cái máy thứ hai chính là bố mẹ. Thấy con đi học về, có vẻ mệt, bố mẹ sẵn sàng lấy cơm cho con ăn, lấy nước cho con uống thậm chí thay đồ luôn giúp con. Nhiều bố mẹ luôn không yên tâm nếu để con tự làm bất cứ việc gì. Nó rửa bát ư, tay nó sẽ trầy xước, viết bài sao nổi. Nó nấu cơm ư? Nhỡ không biết cắm điện, lỡ bị cháy, lỡ bị điện giật thì sao? Để nó tự mắc màn đi ngủ ư? Nó sơ ý để hở cửa màn, muỗi vẫn vào được thì chết…? Thôi thì nếu mình làm cũng chẳng mất mấy thời gian, cho công việc nó suôn sẻ, cho con nó nhàn hạ…

Với cái máy thứ hai này, con cái bị biến thành những đứa trẻ sơ sinh, đang nằm trong noio, lúc nào cũng yếu ớt, bé bỏng, đích thị là những con gà gô.

Cái máy thứ ba là những công cụ tiện ích trong nhà. Máy rửa bát, máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi. Đứa trẻ chẳng cần biết rửa bát thế nào, giặt quần áo ra sao, quét nhà cầm chổi từ đâu, nấu những món ăn đơn giản thì thế nào…

Và hệ quả của tất cả những cái máy kể trên đối với nhiều đứa trẻ là chúng hoàn toàn thụ động với cuộc sống xung quanh. Ngờ nghệch với những khái niệm, những vật dụng đơn giản kiểu như không phân biệt được đâu là quả mướp, đâu là quả bí, không biết phân biệt con gà với chim bồ câu…

“Vì đời chúng tôi quá khổ rồi”
“Đời chúng tôi đã phải sống trong thiếu thốn, nghèo túng. Đời chúng tôi quá khổ rồi nên con cái cần được hưởng cuộc sống sung sướng”. Đây là lí do để nhiều bố mẹ cho con cái mình làm “ông hoàng, bà chúa” khi có điều kiện kinh tế khá giả.

Dường như có một cuộc chạy đua ngầm để con mình trở thành sung sướng nhất trong nhiều gia đình trẻ khá giả ở thành thị ngày nay. Nhà nào đó đưa con cái đi học bằng ô tô, có vú nuôi đưa đón con đến lớp hàng ngày, có điện thoại di động tính năng vượt trội. “Đời chúng tôi khổ rồi”, cái chép miệng vẻ như ngậm ngùi với quá khứ của mình rồi biến thành hành động bù đắp cho con đến mức cho con “ngồi mát ăn bát vàng” đã biến nhiều đứa trẻ hoàn toàn trở thành những “cục thịt” trong nhà.

“Đừng tưởng lũ trẻ sung sướng”
Ngoài giờ học ra, đứa trẻ chẳng biết làm gì. Những trò chơi vô bổ trên mạng, rồi những cuộc chơi dễ sa ngã là những thú tiêu khiển ngoài giờ học của những chú “gà gô”. Theo giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh: một trong những nguyên nhân chính dẫn trẻ em đến vi phạm pháp luật là bởi thiếu lao động, không nhận thức được giá trị của đồng tiền vì đã được bố mẹ quá cưng chiều, quá bao bọc.

Những chú gà gô sẽ lớn lên ra sao khi không biết được rằng muốn ăn cơm thì phải nấu cơm cái đã? Đây là câu hỏi mà không ai khác chính giáo sư Văn Như Cường muốn gửi đến những ông bố, bà mẹ đang muốn con mình thành “ông hoàng, bà chúa”…

( Theo Bibi.Vn )