Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm sao để bé bớt cáu kỉnh?


Mỗi khi không làm được theo ý muốn (khi xếp hình, chơi đồ chơi, bố mẹ không quan tâm kịp thời...) trẻ thường hay cáu giận, quăng ném đồ chơi, tát vào mặt người khác, lăn ra khóc. Vậy để đối phó với vấn đề này cần phải làm như thế nào

Nuôi dạy con là một quá trình trong đó đòi hỏi các bậc phụ huynh phải thật sự nỗ lực và nhạy cảm. Mỗi đứa mỗi tính mỗi nết nên các biện pháp giáo dục luôn phải đa dạng, nhiều tầng, nhiều lớp... để có thể phù hợp với trẻ, với hoàn cảnh không gian, thời gian nữa. Về nguyên tắc, chúng ta cố gắng ngăn chặn không để hành vi xấu lặp lại nhiều bằng cách không tạo điều kiện để nó xảy ra. Ví dụ như chúng ta sẽ thường chuyển hướng chú ý của trẻ sang những việc khác hoặc làm dịu lại cơn cáu giận bằng cách giúp đỡ, vỗ về, yêu thương. Nhưng đây chỉ là giải phải tức thời không phải lúc nào cha mẹ hoặc người lớn cũng luôn có mặt để làm được điều đó và kết quả là cháu ngày càng tăng tính xấu này.

Xét về khía cạnh lâu dài để khắc phục tình trạng này bạn nên bắt đầu bằng việc ra điều kiện, răn đe, giáo dục trẻ. Ví dụ có thể nói: "Nếu lần sau con ném đồ chơi mẹ sẽ không cho con đi chơi công viên nữa" (nếu chị biết con rất thích những buổi đi chơi này)... cố gắng đưa điều kiện gần với kinh nghiệm và sở thích của trẻ để có kết quả tốt hơn.

Ngoài ra, những lúc cháu chơi ngoan, bạn cần dạy con cách thể hiện nhu cầu, cách nói ra các mong muốn của mình. Nhiều trẻ có nhu cầu cao nhưng lại không biết cách thể hiện nó như thế nào nên dùng “võ” khóc ăn vạ hoặc có hành động xâm hại người khác. Thí dụ, chị có thể chơi cùng cháu với các đồ chơi và hỏi: "Cho mẹ chơi cái máy bay được không? Mẹ rất thích siêu nhân, cho mẹ chơi với"... Thông qua đó, chúng ta trang bị cho trẻ cách thể hiện nhu cầu...

Bên cạnh những biện pháp trên, bạn còn nên chú ý đến sức khoẻ, môi trường sống của cháu, kể cả các mối quan hệ quanh cháu bởi tạo cho cháu tâm trạng sảng khoái, dễ chịu... sẽ làm giảm đáng kể hành vi không mong muốn.

Theo Chametainang.net