Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chơi với bé lứa tuổi 4-5


Đây là lứa tuổi bé nhà bạn rất hiếu động. Bé dành nhiều thời gian để chơi một mình hoặc chơi cùng bạn, không còn “đeo bám” bố mẹ nhiều như những lứa tuổi trước đó.

Nguồn ảnh: JupiterImages

Khả năng của bé:
- Bé có thể leo trèo trên những dàn giáo thấp, sử dụng bàn phím máy vi tính, đạp xe, có thể chạy theo đường zic-zac khi chơi đuổi bắt và có thể nâng những đồ chơi khá nặng.
- Đây là lứa tuổi bé có thể học bơi, trượt patin, múa.
- Những kĩ năng mới, những trò chơi sáng tạo có thể làm bé thích thú trong một thời gian dài.
- Trong các hình vẽ của mình, bé bắt đầu biết thêm vào những chi tiết cụ thể hơn. Tuy vậy, bé vẫn chưa đếm được các chi tiết ấy. Bé có thể tự viết tên mình trên mỗi bức vẽ.
- Bé bắt đầu biết thông cảm với người khác và hiểu được rằng họ cũng có những suy nghĩ và tình cảm riêng. Sự thấu hiểu này bắt đầu được bé vận dụng khi cư xử với mọi người.
- Bé có thể giải thích điều gì đã xảy ra khi bố mẹ không có ở đó.
- Bé trở nên "trưởng thành hơn" trong cách suy nghĩ về bản thân.

Những loại trò chơi thích hợp với bé ở lứa tuổi này:
- Đồ chơi điện tử dành cho lứa tuổi tiền học đường: máy ảnh, xe hơi điều khiến từ xa…
- Nhà búp bê và các đồ dùng trong nhà khác của búp bê.
- Xe hơi, xe máy và các đồ chơi có khả năng di chuyển.
- Những trò chơi có tính sáng tạo như bảng, phấn.
- Đồ chơi thể thao như cầu long, tennis, bóng chày…
- Vẽ
- Các loại nhạc cụ
- Trò chơi xếp hình
- Các trò chơi điện tử đơn giản

Nhà búp bê
Ở lứa tuổi này, bé đặc biệt thích những trò chơi “tập làm người lớn". Bé có thể đóng giả thành công an, bác sĩ, lính cứu hỏa… và đặc biệt là trò chơi với nhà búp bê. Bé có thể dành hàng giờ để cho búp bê ăn, tắm cho em bé hay nấu ăn…

Trò chơi này có khả năng kích thích trí tưởng tượng của bé. Ttrò chơi này đặc biệt có ý nghĩa, nó đưa bé vào một thế giới thu nhỏ của riêng mình, bé cảm thấy mình lớn hơn trong thế giới bé nhỏ này.

Làm sao để giúp bé:
- Giúp bé có một không gian đủ rộng để chơi. Các ông bố bà mẹ thường nổi giận khi bé bày đồ chơi khắp nhà. Nếu bé có một bộ đồ chơi búp bê nhiều thứ nhỏ, hoặc thậm chí là nhiều bộ khác nhau, bạn hãy dành cho bé một góc riêng để bé có thể làm mọi thứ mình muốn.

- Cả bố mẹ cũng có thể tham gia vào vào trò chơi của bé. Bạn nghĩ sao nếu bạn cũng đóng “vai” trong xã hội thu nhỏ của bé. Bố mẹ cũng có thể dùng giấy, bút vẽ, phấn bảng để vẽ nên những con đường, hàng cây, bãi biển rồi yêu cầu bé đặt tên cho những địa điểm đó. Rất có thể bé sẽ dùng những tên phố tên nhà xung quanh để đặt tên, thậm chí là những địa danh nổi tiếng mà bé nghe thấy trên ti-vi hoặc những nơi mà bé đã từng được bố mẹ đưa đi.

- Nếu bé thích chơi một mình, hãy khuyến khích bé kể lại những câu chuyện khi bé chơi cùng với búp bê. Cách này sẽ giúp bé biến những điều tưởng tượng thành những câu chuyện cụ thể. Trong quá trình này, bé sẽ phải lựa chọn từ ngữ, điệu bộ để diễn tả điều bé nghĩ.

Xe hơi, xe máy và các đồ chơi có thể di chuyển
Trẻ tuổi này thích làm cho các đồ vật di chuyển. Đua ô-tô làm cho bé cảm thấy thú vị vì tính thi đấu hơn. Đây cũng là trò chơi thích hợp để dạy bé những bài học về tình đồng đội với khẩu hiệu: Mọi người đều chiến thắng trong cuộc đua này!

Làm sao để giúp bé?
- Hãy thiết kế một đường đua có tính thách thức để bé luôn cảm thấy thú vị khi chơi. Bạn có thể tạo nên những “đường hầm” bằng cách cuộn những tấm bìa cứng hoặc xếp những chiếc ghế nhựa thành hàng dài.

- Dạy bé những bài học về giao thông để bé có thể áp dụng khi chơi. Khi đi trên đường, bạn hãy dạy bé nhận biết về đèn đỏ, xanh hay vai trò của chú cảnh sát giao thông. Kiến thức này sẽ làm trò chơi của bé thêm thú vị.

( Theo Web Trẻ Thơ )