Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hè này trẻ đi đâu, chơi gì?


Vẽ tranh, một sân chơi bổ ích cho các em vào những ngày hè
Mỗi khi hè về, các em được nghỉ học ở trường thì vấn đề sân chơi cho trẻ lại được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, hè nào cũng vậy, trẻ em luôn thiếu chỗ chơi và Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ.

Thường ngày, các điểm sinh hoạt văn hoá - thể thao dành cho thiếu nhi ở HN đã luôn quá tải. Đặc biệt là ở Cung Thiếu nhi, người ta đã phải tận dụng tối đa cơ sở vật chất, huy động thêm nhiều cộng tác viên, tăng ca học cả buổi tối.

Cả thành phố Hà Nội có đến hàng triệu trẻ em nhưng quanh đi quanh lại thì chỉ có vài điểm vui chơi dành cho thiếu nhi. Công viên nước Hồ Tây là một điểm thu hút đông trẻ em tới tham gia sinh hoạt, cho dù nơi đây giá vé không phải là "mềm" và không phải các trò chơi đều phù hợp với thiếu nhi. Trong khi đó, công viên Thủ Lệ (hay còn gọi là Vườn thú Hà Nội) có diện tích rộng, nhưng lại không "bắt mắt" trẻ, bởi chuồng thú thì hôi, hàng quán choán hết lối đi.

Công viên Thống Nhất có địa thế đẹp, gần trung tâm thành phố, dễ tổ chức các khu vui chơi giải trí cho trẻ, nhưng lại rất ít các trò chơi mới. Những trò như: nhà gương, đu quay... đã nhàm chán. Trong công viên, đây đó còn xuất hiện những chợ cóc bán tạp nham đủ thứ. Cảnh "tình tự" ở nhiều công viên diễn ra vô tư trước mắt trẻ. Các bậc phu huynh rất ngại cho con mình chơi đùa, sợ giẫm phải kim tiêm của dân chích hút.

Trong khi các công viên chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của mọi người dân, đặc biệt là trẻ em, thì hệ thống các nhà văn hoá thiếu nhi ở Hà Nội lại rất thiếu, nặng về hình thức. Phần lớn số 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã trên địa bàn Hà Nội chưa được xây dựng hoàn chỉnh, hoặc để đất trống. Thậm chí ở nhiều khu dân cư, các điểm vui chơi của trẻ em đã bị thu hẹp lại hoặc bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Tại khu chung cư Thanh Xuân Bắc, đơn vị thi công đã tự ý thay đổi công năng diện tích dành cho thiếu nhi. Rạp Kim Đồng - nơi một thuở chuyên chiếu phim cho thiếu nhi - nay bị chiếm làm quán bán bia. Một vài điểm vui chơi như Sega, Star Bowl, Cosmos... luôn có nhiều thiếu nhi tới chơi, nhưng chủ yếu là con em gia đình khá giả, bởi giá vé ở đây khá cao.

Nhà chị Hồng ở Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) có hai cháu nhỏ (một cháu 5 tuổi, một cháu 10 tuổi). Khi các cháu được nghỉ hè thì cũng là lúc anh chị lại phải đau đầu suy nghĩ xem cuối tuần này cho các cháu đi đâu chơi. Công viên nước Hồ Tây, Vườn thú, Công viên Thống nhất….tất cả các địa điểm đó các cháu nhà chị đều đã thuộc trong lòng bàn tay. Vậy là anh chị đành chọn giải pháp cho hai cháu về bên nội và bên ngoại chơi vào các ngày cuối tuần.

Thiếu sân chơi, các em đành tận dụng con ngõ nhỏ này làm sân bóng

Vì không biết cho con đi đâu chơi nên chị Ngọc (30 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đã chọn giải pháp “nhốt” cậu con trai 10 tuổi ở nhà. Được một thời gian, chị Ngọc phát hiện ra con mình đã bị nghiện trò chơi điện tử, một món cậu bé rất mê. Lo lắng khi để con ở nhà một mình nên chị đã quyết định cho cu Bin đi học bơi. Tuy nhiên cũng vì thế mà chị thêm phần vất vả, công việc ở cơ quan bị xao nhãng. 7h sáng chị Ngọc tất tả đưa con đến bể bơi, sau đó vội vàng đến cơ quan nhưng vẫn bị trễ giờ. 10h chị lại phải “trốn” sếp để đi đón con từ bể bơi về nhà.

Thiếu chỗ chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích nên các quán trò chơi điện tử trở thành điểm đến “lý tưởng” của các em. Vào hè, số lượng trẻ em đến với các điểm kinh doanh Internet nhiều hơn mà trong đó phần đông các em chơi game và “chát”. Đồng hành với cơn nghiện “game online”, nhiều em phải đeo kính do thị lực giảm sút. Nguy hiểm hơn, nhiều ngõ hẻm của khu phố là điểm tụ tập ồn ào của các em nhỏ trong ngày hè không có sự trông coi, quản lý của người lớn nên rất dễ xảy ra các loại tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng các em.

Trong cái nắng nóng của mùa hè, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, bất chấp cả nguy hiểm rình rập, trẻ em cố tìm cho mình những nơi “có thể” để vui chơi. Một góc nhỏ trong ngõ, thậm chí dưới lòng đường cũng trở thành “sân bóng” cho những cậu bé hiếu động. Vỉa hè, lòng đường cũng biến thành nơi để thả diều, để chơi trò trốn tìm…

Theo những chuyên gia trong ngành giáo dục, với các gia đình thành thị, không nên để trẻ tự chơi suốt kỳ nghỉ nếu không có người lớn ở nhà. Thiếu chỗ chơi công cộng, trẻ phải tha thẩn trong nhà và trở nên kém năng động, lại dễ nghiện ti vi hay trò chơi điện tử - những món giải trí không có sự tương tác, có hại cho sự phát triển trí tuệ nếu không hạn chế. Mặt khác, thiếu người quản lý, trẻ có thể xem các chương trình độc hại trên Internet.

Vì vậy, bố mẹ nên xem thời gian nghỉ hè là một cơ hội cho con tham gia các sinh hoạt giải trí như học vẽ, học múa hát, tập bơi, tập võ, thể dục... Cũng có thể cho học thêm tiếng Anh, nhưng chỉ nên học một cách nhẹ nhàng. Nếu có người lớn ở nhà, nên định hướng và chơi cùng trẻ những trò mang tính giáo dục hoặc có tính vận động cao. Có thể đây là một giải pháp tối ưu cho các bậc phụ huynh trong tình hình sân chơi cho trẻ còn thiếu thốn và nghèo nàn như hiện nay.

( Theo VietNamNet )