Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mùa hè, nhức nhối trẻ bị bỏng.


Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận 15 bệnh nhân bỏng, trong đó 30% là trẻ em. Đáng chú ý là các ca bỏng điện ở trẻ em chiếm đa số, nhất là vào dịp hè.

Chỉ vì tổ chim trên cột điện mà S. đến nông nỗi này. Ảnh: Lệ Hà

Những tai nạn từ con người
Đang nằm điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu, cháu Đặng Thái S., 13 tuổi, ở Hà Tây, bị băng bó trắng người. Vào viện đã hơn 10 ngày nay, nhưng S. vẫn sốt, chưa ăn được gì, phải truyền nước.

Bố của cháu S. đang chăm sóc con kể lại, sự việc xảy ra vào ngày 27/5. Hôm đó mất điện, S. cùng mấy bạn chơi đùa dưới cột điện và nhìn thấy tổ chim ở trên. S. nghĩ đang mất điện trèo lên bắt chim chơi sẽ không nguy hiểm gì. Thật không may, trong lúc S. trèo lên tới nửa cột điện thì tổng trạm đóng điện. Điện phóng ra, S. bị rơi xuống đất không biết gì nữa. Ngay lập tức, mọi người hô hấp và chuyển S. đến cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia.

Điện giật đã khiến 2 tay, ngực và bụng của S. bị lột toàn bộ da. S. được xác định bỏng độ 3. Từ hôm vào viện, S. không ăn uống được gì, phải truyền và sốt cao.

Cùng nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu còn có trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Xuân M., 17 tuổi, ở Lào Cai. Điện giật đã làm M. vĩnh viễn mất đi một chân.

Nguyên nhân tai nạn của M. cũng vì điện. Do cây xoài trong vườn nhà M. có một đường điện dẫn qua. Đường điện này không phải mới tồn tại nhưng do chủ quan M. trèo lên cây xoài mà không mảy may để ý đến nó. Không ngờ, đường điện đã làm M. ngã từ trên cây xuống và bỏng độ 4, phải cắt một bên chân.

Ngoài S. và M., tại viện còn nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn điện thương tâm. Em Bùi Văn N., 15 tuổi, ở Hòa Bình, đang nằm điều trị tại Khoa Nhi của viện, em bị bỏng độ 4. Do trèo lên trạm biến áp bắt chim, em N. cũng bị phóng điện bỏng nặng phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Toàn thân N. bị bỏng nặng.

Tại Viện Bỏng quốc gia, bên cạnh những trường hợp nhập viện vì tai nạn do chính các em nhỏ do nghịch ngợm gây nên còn có những ca bỏng do sự vô ý của người lớn.

Đó là trường hợp đáng tiếc của chị P. Chuẩn bị nước cho con tắm, lẽ ra cho nước lạnh rồi pha nước nóng vào nhưng chị P., ở Vĩnh Phúc lại làm ngược lại. Đã thế, chị P. do không cẩn thận, để chậu nước nóng vừa đun chạy ra ngoài nghe điện thoại. Chị không ngờ con mình lại nhanh chân bò vào chậu nước đặt cách cháu một đoạn khá dài. Thấy con khóc thét lên, chị vội vàng chạy lại thì cậu bé đã nằm gọn trong chậu nước nóng.

Ngồi chăm sóc đứa con bỏng nặng, băng kín khắp người tại Viện Bỏng quốc gia, chị P. không giấu nổi sự ân hận của mình.

Nguy cơ bỏng ở ngay trước mắt
TS. Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia cho biết, trung bình mỗi ngày Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận 1 - 3 trẻ bị bỏng, con số này còn tăng gấp đôi vào 3 tháng hè và tập trung nhiều ở trẻ sống tại các vùng nông thôn.

Nguyên nhân là do thiếu sự chăm sóc, giám sát của người lớn nên các cháu thường tự do đùa nghịch, khám phá rồi vô tình tiếp xúc với những tác nhân gây bỏng như điện, bếp ga, nước sôi, hố vôi...

Ngoài ra, bệnh nhi bị bỏng do các nguyên nhân liên quan đến vui chơi, giải trí trong kỳ nghỉ hè như bỏng do trẻ chơi thả diều, câu cá, bắt chim dưới đường dây điện cao thế hay bỏng khi trẻ xem người lớn nướng mực, cá bằng cồn, gas trong các chuyến đi biển nghỉ mát...

TS Nguyễn Viết Lượng đưa ra lời cảnh báo, khi trẻ bị bỏng cần xả nước lạnh vào chỗ phỏng từ 15-20 phút liên tục để hạ nhiệt độ phần vết bỏng, tránh cho trẻ bị bỏng sâu. Tiếp đó dùng tấm vải sạch băng bó lại nhằm tránh chỗ bỏng bị phồng rộp và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì khác lên vết bỏng. Cách sơ cứu này không áp dụng cho bỏng hóa chất.

Bên cạnh tai nạn do bỏng, chết đuối thì vào những ngày hè các tai nạn thương tích khác cũng rất cần đề phòng đối với trẻ em như té ngã, thương tích xảy ra đối với các vật sắc nhọn (như kéo, thuỷ tinh...), tai nạn giao thông (phần lớn là các em bị xe khác va phải trên đường phố, mắc chân vào bánh xe đạp, bị keo dán phụt vào mắt... ).

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, chỉ tính riêng năm 2007, ở nước ta có hơn 9.000 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có hơn 7.500 trẻ tử vong. Mỗi ngày, nước ta bị mất đi 20 trẻ em và rất nhiều những trường hợp bị tàn tật khác. Tai nạn thương tích giờ đây đã trở thành nỗi lo ngại không chỉ của các gia đình mà là của cả cộng đồng.

Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các trường hợp tai nạn thương tích xảy ra với trẻ em đều xuất phát từ sự bất cẩn cũng như nhận thức còn kém của cha mẹ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Các tai nạn thường gây ảnh hưởng rất nặng nề cho trẻ em. Nặng thì có thể dẫn đến tử vong, gây ra những ảnh hưởng về tâm, sinh lý đối với trẻ nhỏ; nhẹ thì cũng có thể gây ra những thương tích lâu dài hay suốt đời đối với trẻ nhỏ.

Theo VietNamNet