Không nên khen ngợi trẻ quá nhiều Theo các chuyên gia tâm lý học, việc khen ngợi con quá nhiều có thể làm tăng tính tự kiêu, bảo thủ và để lại tác hại xấu trong việc kích thích tính tự giác sáng tạo của bé.
Đây là ý kiến đã được công bố trên một tạp chí về giáo dục tại Mỹ. Theo đó, các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng không chỉ có điểm học mới là quan trọng, mà cần phải trau dồi mọi kiến thức khác trong cuộc sống cho bé. Bên cạnh đó, việc cha mẹ khen ngợi nhiều sẽ hình thành trong bé cách nghĩ tự cao, tự đại. Đến khi thua kém bạn bè, những đứa trẻ này thường hay nản chí và trốn tránh khó khăn, không chịu tìm tòi và phát huy khả năng vốn có tiềm tàng. Cha mẹ cần làm gì? Bạn nên phân tích mặt tốt, chưa được để bé hiểu được cả ưu và nhược điểm của bản thân. Không khen ngợi một cách bừa bãi, gây hình thành ý nghĩ bé làm gì cũng đúng, bé cần biết xứng đáng với những phản hồi trung thực qua những kết quả mà bé đạt được. Hãy giúp trẻ đạt được những ước mơ không phải từ những lời nói dối mà chính bằng khả năng thực sự của trẻ. Khen đúng và nên khen trẻ ngay lập tức Mỗi trẻ đều có năng lực riêng, bạn hãy tập trung khuyến khích các khả năng đặc biệt cho con mình. Ví dụ, khi con giúp bạn dọn dẹp, bạn có thể khen ngay khi bé vừa hoàn thành xong công việc. Nhìn nhận vào nỗ lực của con hơn là kết quả đó như thế nào. Và khi bé tự hào về những việc mình đã làm được thì niềm vui đó sẽ là động lực giúp bé hân hoan với các công việc tiếp theo. Đừng bao giờ so sánh Đừng bao giờ đem con ra so sánh quá nhiều với anh chị em hoặc với bạn bè đồng lứa. Bạn nên để con tự lực phát huy và làm tốt công việc do bé yêu thích, chứ đừng vì tức tối muốn đánh bại hoặc muốn chứng minh mình giỏi hơn người khác. Không dùng tình yêu của mình để làm phần thưởng cho trẻ Hãy để con hiểu rằng bạn luôn yêu và chấp nhận bé, chứ không phải bạn chỉ thương khi trẻ làm được việc tốt. Ví dụ, trẻ cư xử không đúng, bạn có thể nói: "Bố mẹ rất yêu con, nhưng bố mẹ không hài lòng khi con làm như vậy", thay vì nói rằng: "Con không ngoan thì bố mẹ không yêu con nữa." Phân tích đúng lỗi lầm và đối mặt với thất bại Bạn hãy dạy để bé hiểu rằng những lỗi lầm là một phần quan trọng trong tiến trình tìm tòi và phát triển. Nếu bạn không bao giờ để con đối mặt với những thất bại, bé sẽ không thể trưởng thành và học hỏi được điều gì. Hãy giúp trẻ vượt qua mặc cảm và lấy đó làm động lực, niềm tin vào khả năng của bản thân, bởi đây sẽ là một yếu tố quan trọng giúp trẻ thành công. ( Theo Đàn Ông.Com ) |