Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cả nước thiếu gần 10.000 giáo viên âm nhạc và mỹ thuật.


Đây là con số được đưa ra tại hội thảo "Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mỹ thuật - âm nhạc trong nhà trường phổ thông" (tiểu học và trung học cơ sở) do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 10-6, tại Hà Nội. Tình trạng giáo viên âm nhạc và mỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Theo khảo sát của Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, tính đến cuối năm 2007, tại TP Điện Biên mới chỉ có một giáo viên dạy chuyên nhạc ở một trường trung học cơ sở (THCS). Ở tỉnh Cao Bằng, có hơn 250 trường tiểu học và THCS nhưng chỉ có 96 giáo viên mỹ thuật. Đa phần giáo viên dạy các môn nghệ thuật lại là giáo viên kiêm nhiệm. Giáo viên thuộc nhiều trình độ: 5+3, 7+3, 9+3, 12+3...

Số giáo viên nghệ thuật có trình độ cao như ĐH, CĐ rất ít, trong đó trình độ ĐH 4%, CĐ 45% và gần 7% là giáo viên kiêm nhiệm. Các môn âm nhạc và mỹ thuật lại là các môn chuyên ngành có nhiều thuật ngữ nên càng gây khó khăn trong công tác đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên người dân tộc.

Để nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên âm nhạc và mỹ thuật, các trường đề nghị Bộ sớm ban hành chương trình khung giáo dục ĐH ngành sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật để có sự thống nhất trong cả nước. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo sinh viên các trường sư phạm nghệ thuật cần xác định rõ mục tiêu là đào tạo giáo viên dạy ở trường phổ thông chứ không phải đào tạo nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên âm nhạc và mỹ thuật, các đại biểu nêu ý kiến: Bộ GD-ĐT nên giao nhiệm vụ cho các trường sư phạm có kế hoạch tăng qui mô đào tạo giáo viên. Ngoài ra có thể nghiên cứu hình thức đào tạo, cấp chứng chỉ sư phạm cho các sinh viên tốt nghiệp các ngành biểu diễn âm nhạc để có thể tham gia giảng dạy trong các trường phổ thông.

( Theo Tuổi Trẻ )