Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kịch cho thiếu nhi: Từ hiện tượng Aladin và... đủ thứ thần


Một hiện tượng của tháng 7.2005: vé xem kịch Aladin và... đủ thứ thần đã hết sạch ngay từ tháng 6. Sân khấu IDECAF (TP.HCM) năm nào cũng gây sốt vào mùa hè và trung thu, với 2 vở hoành tráng diễn tại Nhà hát Bến Thành, chưa kể những vở diễn tại sân khấu nhỏ vào mỗi chủ nhật lúc nào cũng đông nghẹt. Hóa ra, kịch cho thiếu nhi có một lượng khán giả khổng lồ mà các đơn vị nghệ thuật chưa biết khai thác. Ông Huỳnh Anh Tuấn - Chủ nhiệm Sân khấu kịch IDECAF, tâm sự: "Cả TP.HCM có hơn 2 triệu trẻ con mà các sân khấu cho các em còn ít quá. Năm 1997 chúng tôi thử vào cuộc. Đúng ra, chúng tôi làm cho thiếu nhi trước khi làm cho người lớn, đâu có nghĩ nhiều đến doanh thu mà chỉ vì yêu mến các em. Dè đâu thành công đến bất ngờ. Kể từ Hoàng tử chăn lợn, Phượng hoàng và cây khế... với những Minh Ngọc, Đoàn Khoa, Thành Lộc... cho tới nay đã 19 vở. Và nói thật là doanh thu nhiều hơn chúng tôi tưởng tượng". Có nghĩa là, làm kịch cho thiếu nhi hoàn toàn có lãi, tại sao các nơi khác lại bỏ qua? Thật ra, NSƯT Hồng Vân cũng từng lên kế hoạch tại Sân khấu Phú Nhuận và một năm cho ra 3 vở, nhưng chương trình đã tạm dừng suốt 2 năm nay. Hồng Vân cho biết: "Thiếu nhi chỉ được nghỉ học ngày chủ nhật, mà chúng tôi lại không được diễn vào chủ nhật thì làm sao tiếp cận? Năm nay, TTVH Phú Nhuận đã đồng ý xếp lịch cho chúng tôi, chắc chắn sẽ khôi phục vào cuối năm". Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ là lịch diễn vào ngày chủ nhật, mà còn là vấn đề chuyên môn. Chính Hồng Vân cũng công nhận thế mạnh của IDECAF là xuất thân từ múa rối nên thực hiện trang phục và đạo cụ rất chuyên nghiệp, xinh đẹp, hấp dẫn trẻ con. Bên cạnh đó, IDECAF còn một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên quá giỏi như: Thành Lộc, Thanh Thủy, Hữu Châu, Bạch Long, Hồng Ánh, Mỹ Duyên... Ngay cả lớp trẻ như Đức Thịnh, Vũ Đình Toàn... cũng bắt đầu được các em ái mộ. Đâu phải diễn cho người lớn khen là trẻ con cũng khen, cho nên nói "giỏi" ở đây là thật sự làm vừa lòng những khán giả nhí khó tính. Huỳnh Anh Tuấn cười: "Các em xem nhiều nên rành dữ lắm, mình càng phải biến hóa nhiều hơn. Công sức bỏ ra gấp 5 lần vở cho người lớn. Nhưng quan trọng là tâm hồn diễn viên cũng phải "trẻ" mới tiếp cận được các em". Thảo nào mà tuổi tác đã trên dưới 40 nhưng nét diễn của họ vẫn thanh xuân, trong trẻo. Và ngay từ kịch bản đã có sự biến hóa rồi. Bước ra từ cổ tích nhưng các nhân vật và tình tiết vẫn hiện đại, dễ gần, nhí nhảnh. Đây cũng là kinh nghiệm cho những ai muốn làm sân khấu thiếu nhi. IDECAF đã có cổ tích Việt Nam, Trung Quốc, phương Tây, sắp tới sẽ dựng một kịch bản mang "không khí" Hàn Quốc để đổi món vào mùa trung thu. Còn Hồng Vân cho biết chỉ "chuyên trị" cổ tích VN. Riêng IDECAF lại gầy dựng thêm 2 nhóm diễn viên trẻ để lưu diễn ngoại thành phục vụ thiếu nhi nghèo. Đã hợp đồng tại Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình. Chắc chắn chương trình này không lãi nhiều, hòa vốn đã là mừng, nhưng nói như ông Huỳnh Anh Tuấn: "Như vậy vừa có nơi cho diễn viên trẻ hoạt động và trưởng thành, vừa không áy náy vì bỏ quên một bộ phận trẻ em vùng xa. Tôi thật lòng muốn mọi người cùng chung sức chăm lo cho các em, đừng để các em tiêm nhiễm những thứ xấu rồi than trách. Đi trước một bước vẫn tốt hơn". Thanh Niên