Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chơi để... khôn lớn


Không ít các bậc cha mẹ nghĩ rằng lo cho con cơm ăn, áo mặc, học hành thế là đủ. Nhưng trẻ con không chỉ cần có vậy, chúng cần được chơi không kém gì ăn.

Với trẻ em - chơi là "lao động"
Các nhà tâm lý học khẳng định chơi là một hoạt động cơ bản nhằm giúp trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh, hình thành những phẩm chất cơ bản như sự khéo léo, nhanh nhẹn, sự kiên trì, tinh thần tập thể, lòng nhân ái và óc sáng tạo.

Nhìn một đứa trẻ chơi, ta có thể phần nào đóan được tính cách của chúng. Một đứa trẻ sáng tạo, nhanh nhẹn trong trò chơi sẽ hứa hẹn là một đứa trẻ thông minh trong học tập và thành đạt trong cuộc sống. Vì vậy, cha mẹ cần ý thức tầm quan trọng của hoạt động chơi đối với con em mình và tạo điều kiện để chúng được vui chơi.

Thế nhưng, không ít gia đình lại ngại cho trẻ chơi vì sợ bẩn nhà, sẽ phải dọn dẹp, thậm chí có người tiếc khi trẻ chơi những đồ chơi đắt tiền. Họ cất các đồ chơi đó trong tủ kính, thỉnh thoảng lôi ra và lau chùi sạch sẽ. Nếu con có đụng vào là la lên: "Đừng động vào đấy, vỡ bây giờ", hoặc: "Tao đến khổ vì suốt ngày phải dọn dẹp đồ chơi, tốt nhất là không chơi bời gì nữa". Thế là những đứa trẻ ấy bị nhốt trong những ngôi nhà sạch sẽ như lâu đài.

Thương con, các bậc cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con được vui chơi, cấm trẻ con chơi khác nào cấm con cá bơi lội, cấm con chim bay nhảy.

Chơi cũng phải... học
Nếu người cha người mẹ chú ý sẽ thấy, cùng với năm tháng qua đi, trò chơi của con mình cũng đổi thay liên tục. Vừa mới hồi nào nó hí hoáy tháo ra lắp vào một cái hộp gỗ, hay có thể ngồi chơi xếp tháp hàng giờ, thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại vài năm những đồ chơi kia đã bị "xếp xó"

Con bạn suốt ngày hôm búp bê đi chơi rồi nói chuyện với búp bê, lại còn xưng "mẹ mẹ con con" với cả búp bê nữa chứ! Còn bé trai kia lại bắt đầu dửng dưng với những chiếc ô tô đồ chơi, mặc dù còn bé nó rất thích thú. Đứa trẻ 8 tháng tuổi đã làm mẹ phật lòng vì thái độ dửng dưng khi tặng nó con búp bê mua với giá hàng triệu, nhưng lại tỏ ra thích thú với cái xúc xắc bằng nhựa chỉ có một nghìn hai trăm đồng mua của mấy chị bán hàng rong.

Chẳng qua, người lớn không hiểu rằng, với một đứa bé tám tháng tuổi thì con búp bê chưa có ý nghĩa gì, nó cũng không khác gì một hòn đá, còn cái xúc xắc tuy rẻ tiền nhưng biết phát ra tiếng kêu thích thú.

Với các bậc cha mẹ, không phải cứ có nhiều tiền, mua nhiều đồ chơi là đã làm cho con hạnh phúc, mà cần biết con mình ở lứa tuổi nào, đang thích chơi những trò gì, đồ chơi gì để đáp ứng cho con. Nhiều khi mấy cái vỏ bao thuốc lá, vài cái que kem, mấy cái vỏ hộp sữa chua trẻ lại quý hơn chiếc máy điện thoại di động bằng nhựa giống như thật.

Hãy chơi cùng con!
Đừng nghĩ rằng mua thật nhiều đồ chơi cho trẻ là trẻ tự nhiên biết chơi. Cha mẹ cần giúp trẻ, hướng dẫn trẻ chơi và cùng chơi với trẻ.Cùng một đồ chơi, có thể hướng dẫn trẻ chơi các trò chơi khác nhau để phát triển trí tưởng tượng. Hãy dạy sao cho cùng là mảnh gỗ, lúc này có thể là cái bàn ăn cơm, lúc khác lại là cái vô tuyến, cái đài, cần thiết nữa có thể là cái ô tô... Hưỡng dẫn trẻ chơi, sao cho chúng kiên trì, làm lần này không được thì kiên trì làm lại, bằng được có kết quả mới thôi. Như vậy trò chơi mới mang ý nghĩa giáo dục.

Trò chơi gắn bó với tuổi thơ và theo chúng ta đi suốt cuộc đời. Sau những giờ lao động vất vả, vài chục phút đá bóng, vài ván cờ cùng người bạn tri kỉ sẽ giúp ta quên bớt nhọc nhằn. Có tể nói nhiều trò chơi không chỉ mang tính giải trí, mà nó là một dạng lao động thực sự nghiêm túc.

Nuôi con khỏe là điều tốt, cho con học hành đầy đủ cũng là điều cần thiết, nhưng mẹ cha hãy đừng quên rằng con em chúng ta cần được vui chơi để khôn lớn thành người!

Theo Bibi.Vn