Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhóm trẻ tại gia đua nhau mọc lên ở vùng ven


Hiện nay, khi các trường mầm non đã bước vào kỳ nghỉ hè, các nhóm trẻ gia đình được mùa “ăn nên làm ra” mọc lên như nấm. Tuy nhiên, gởi con ở những điểm giữ trẻ này liệu có an toàn?

Cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân của bà Trần Thị N.
Đua nhau giữ… trẻ
Một thực tế hiện nay, tại các vùng ven thành phố, đặc biệt là những khu vực gần khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN), nơi tập trung đông người nhập cư và dân lao động nghèo sinh sống đang có nhu cầu gởi trẻ rất cao. Nhu cầu gửi trẻ thì nhiều, trong khi người dân không có điều kiện (tiền học phí cao, phải tăng ca không có thời gian đón và giữ trẻ), đồng thời những trường mầm non tại khu vực luôn quá tải. Vì vậy dịch vụ nuôi trẻ “tại gia” trở thành một chiếc bánh béo bở và ngày càng phát triển mạnh với nhiều kiểu kinh doanh khác nhau. Bà Trần Thị N., ngụ tại khu phố 3, phường Phước Long B (Q.9) trước đây là công nhân, đã nghỉ việc một năm nay, ở nhà nhận nuôi 5 đứa trẻ với độ tuổi khác nhau và xem đây là một nghề “sống được”. Năm đứa trẻ bà giữ chủ yếu là con của những gia đình công nhân trong khu nhà trọ 40/35 (đối diện nhà bà), với giá 450.000 đồng/trẻ/tháng. Căn hộ rộng chừng 40 m2 của bà được tận dụng “nuôi” thêm 5 đứa trẻ làm cho không gian vừa chật, vừa tối. Để trẻ khỏi ra đường, bà N. dùng một khung củi chắn ngang cửa và vô tư đi ra ngoài mỗi khi có chuyện cần.

Tại khu vực KCX Linh Trung (Thủ Đức) có thể nói cơ sở giữ trẻ “tại gia” phát triển ngày càng mạnh tương ứng với số công nhân làm việc tại các công ty, xí nghiệp. Theo chân một chị công nhân đi đón con, chúng tôi tìm đến điểm giữ trẻ “tại gia” (đường 10, khu phố 3, Linh Trung, Thủ Đức) do chị Nguyễn Thi V. làm chủ. Không đi làm, ở nhà chăm sóc cô con gái mới 6 tháng và đứa cháu gần một tuổi, tiện thể chị V. nhận canh luôn 4 đứa trẻ là con của các gia đình công nhân tại KCX Linh Trung với giá 350.000 đồng/trẻ/tháng. Vậy là căn hộ chưa đầy 40 m2 của chị bỗng dưng biến thành “nhà trẻ” cho 6 đứa trẻ ở độ tuổi bi bô. Chị V. nói: “Đứa cháu tôi cũng ngoan, nên nhận canh thêm 4 đứa trẻ nữa để cháu có bạn chơi, chúng không khóc mà mình cũng có thu nhập, bù những ngày không đi làm gì”. Nhưng không gian căn hộ của chị V. chưa đầy 40 m2, chứa đến 6 đứa trẻ, lại thêm bàn ghế nên rất chật chội. Không có khoảng trống cho trẻ bò, đi, trẻ chủ yếu là ngồi một chỗ. Đồ chơi thì ít, chỉ mấy con búp bê… nên việc trẻ thường xuyên tranh nhau, khóc ầm ĩ làm cả xóm nhức đầu là chuyện hàng ngày ở đây.

Đảo qua một vòng ở những khu vực gần KCX, KCN, chúng tôi nhận thấy, các cơ sở giữ trẻ tại nhà mọc lên san sát như nấm sau mưa. Thậm chí có nơi hai ba hộ gia đình liền kề nhau đều nhận giữ trẻ “tại gia”. Các nhóm trẻ này thường nuôi từ 3-6 cháu, mức tiền gửi từ 300.000 - 500.000 đồng/cháu/tháng. Ông Huỳnh Văn Tuynh, ngụ tại phường Linh Trung cho biết, tình trạng này diễn ra đã lâu và đang có chiều hướng phát triển. Công nhân ngày một đông, họ luôn có nhu cầu gửi con, trong khi trường thì có hạn nên nhà trẻ tư nhân còn sống khỏe nhiều năm nữa.

Nguy hiểm, bệnh tật luôn rình rập
Qua tìm hiểu thực tế, những “nhà trẻ” tại gia như trên không chỉ thiếu về mặt bằng diện tích, ánh sáng mà môi trường sinh hoạt, vui chơi dường như cũng không có. Trung bình, mỗi “nhà trẻ, nhóm trẻ” như vậy có diện tích rất nhỏ chỉ độ khoảng 25- 40 m2. Thường là một căn hộ được tận dụng khoảng trống, hay một phòng trọ khoảng 30m2, miễn là có cửa chắn ngoài không để cho cháu tự leo ra ngoài là được. Trẻ được canh ở đây nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng không được phân ra, đồ chơi rất ít, thậm chí 4, 5 trẻ chơi chung một con búp bê nên việc trẻ tranh nhau là chuyện thường. Về phần “bảo mẫu” đa phần là những phụ nữ trung niên, không có việc làm, thậm chí là những bà cụ từ ngoài quê vào để canh cháu cho con đi làm, tiện thể nhận trẻ nuôi luôn. Không một ngày học nghiệp vụ nuôi dạy trẻ, chủ yếu là chăm sóc trẻ bằng “kinh nghiệm” của mình. Đã nhiều lần hàng xóm nghe bà Trần Thị N. quát tháo những đứa trẻ chỉ độ một vài tuổi như quát tháo người lớn. Phụ huynh có con em gửi tại đây rất không bằng lòng với “tính khí” của bà “bảo mẫu” nhưng với giá 450.000 đồng/tháng, không gửi thì chẳng biết gửi con cho ai. Chị Lan (gửi đứa con 1 tuổi ở nhà trẻ bà N.) tâm sự: “Nhiều lần em đến đón con, thấy cảnh cháu nằm lăn lóc giữa nền nhà, vừa dơ, vừa bị muỗi chích mà xót xa. Nhưng biết làm sao được, không có tiền cho con đến trường đành chịu vậy”. Đây là hiểm họa cho những căn bệnh chết người như sốt xuất huyết, tay chân miệng… bùng phát tại đây.

Nhóm trẻ do chị Lê Phương H. làm chủ (ngụ hẻm 10, đối diện chợ Linh Xuân - Thủ Đức) vừa chật chội, vừa không có đồ chơi. Vốn là từ khi có đứa con thứ hai, chị H. không tiếp tục vào làm ở công ty nữa nên ở nhà chị mở tiệm tạp hóa nhỏ để bán hàng và nhân tiện nhận thêm hai cháu nhỏ của gia đình trong dãy trọ để canh. Dù nhận 350.000 đồng/tháng, nhưng hầu như chị không phải canh bọn trẻ, hơn nữa bận bán hàng nên chị để trẻ tự chơi với nhau là chính, đến giờ cho chúng ăn rồi lại để mặc chúng tự do lăn bò giữa nền nhà. Chị kể: “Bình thường thì không sao, nhưng hễ có một cháu khóc là cả ba cháu khóc theo, nhiều khi mệt quá cứ mặc kệ không dỗ, chúng khóc chán thì thôi”. Một chị hàng xóm với chị V. nhận canh sáu trẻ, nhưng đồ chơi lại không có. Mỗi lần trẻ lớn giành đồ chơi với trẻ nhỏ là chị lại quát mắng ầm ĩ, thậm chí chửi tục trông rất khó nghe. Mỗi lần chị quát, trẻ lại khóc lớn thêm, riết rồi chị không canh giữ để mặc chúng tự do bò trườn tranh giành.

Hẳn người dân tại ấp 1, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi không thể quên được tình trạng những đứa bé con em họ trèo lên lan can tầng 1 để đùa giỡn giữa giờ nghỉ trưa. Chỉ đến khi người đi đường phát hiện thì các cô bảo mẫu mới tá hỏa chạy ra xem trong tình trạng đầu tóc rối bời, đang còn ngái ngủ. Những đứa bé này thuộc nhóm trẻ gia đình T. nằm cạnh KCN Tân Quy (Củ Chi). Và ngay sau đó Phòng GD huyện Củ Chi đã rút giấy phép hoạt động!

Giải quyết căn cơ về quá tải
Phải thừa nhận rằng các nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình ra đời đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho những gia đình công nhân, dân lao động nghèo, dân nhập cư vì giá thấp, thời gian trông giữ nhiều, không ràng buộc nhiều thủ tục, giấy tờ... Mặt khác, các trường mầm non thì đón và gởi cháu phải đúng giờ trong khi công nhân đều làm tăng ca để tăng thêm thu nhập.

Để chấn chỉnh tình trạng quá tải về sĩ số, giáo viên thiếu nghiệp vụ, các cơ sở nuôi dạy trẻ hoạt động không có giấy phép, môi trường sinh hoạt không đảm bảo… Sở GD-ĐT đưa ra giải pháp, từ tháng 4-2008, các quận huyện đồng loạt điều tra, thống kê số trẻ trong độ tuổi mầm non ở từng khu vực, giải quyết dứt điểm những cơ sở không thể điều chỉnh nâng cấp, triển khai xây dựng trường lớp mới, nhất là các địa phương khó khăn về chỗ học cho trẻ và các doanh nghiệp, công ty có đông lao động nữ làm việc. Các quận huyện kết hợp với các trường sư phạm mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cô nuôi dạy trẻ, giúp đỡ các cơ sở mầm non thực hiện tốt các quy định của ngành giáo dục để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến lớp. Trước mắt Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND TP khẩn trương xây các trường mầm non công lập trên địa bàn quận 4, 6, 11,Gò Vấp, Thủ Đức, Phú Nhuận, Tân Phú và Bình Tân.

Giải quyết căn cơ về cơ sở, chất lượng giáo dục mầm non của thành phố trong tương lai, ngành giáo dục TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM có quy định buộc chủ đầu tư khi xây dựng nhà máy, xí nghiệp, KCX, khu dân cư mới phải dành kinh phí để xây dựng trường mầm non hoặc điều tiết nguồn thu của các đơn vị sản suất kinh doanh để hỗ trợ công nhân gửi con em đến trường bên ngoài. Như vậy giải quyết vấn đề trường lớp, giáo viên ở cấp mầm non của thành phố đã có lối ra nhưng thực hiện ra sao để những đứa trẻ sớm được hưởng lợi từ kế hoạch này thì hãy còn chờ sự quyết tâm của các ngành, các cấp có trách nhiệm.

( Theo Báo Giáo Dục )