Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vào hè, cấp cứu liên tục trẻ hóc hột trái cây


Từ đầu năm đến nay, nhất là khi vào hè với vô số loại trái cây, khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện BV Nhi Đồng 1 TPHCM liên tục cấp cứu, gắp dị vật đường thở (thường là hột chanh, chôm chôm, nhãn...) trong phổi nhiều em bé.

Đủ kiểu hóc dị vật
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1, từ đầu năm đến nay mỗi tuần họ đã phải xử lý từ 4 - 5 ca hóc hột trái cây.

Bệnh nhi chờ khám tại BV Nhi đồng 1, TPHCM. (Ảnh: H.Cát)
Đang độ vào hè, điều khiến các bác sĩ lo ngại nhất là các dị vật hột trái cây, từ hột chôm chôm, cho đến những hột lép dẹp như của trái sapôchê (hồng xiêm). Nếu lấy không khéo, phổi của trẻ có thể bị rách làm đôi.

Mới đây, các bác sĩ phải cố gắng hết sức mới gắp được hai hột chanh trong phổi cháu Nguyễn L.A. (3 tuổi). Người nhà của bé L.A. cho biết, bé được vắt nước chanh vào họng khi đang lên cơn gồng nên bị sặc, hai hột chanh lọt vào phổi của bé. Một thời gian sau, bé L.A. thường lên cơn tím tái, khó thở...

Theo các bác sĩ, biểu hiện ban đầu của hóc dị vật đường thở có thể là viêm phổi. Bé trai Trần V.L (5 tuổi, ngụ tại Long An) được chẩn đoán viêm phổi do thời tiết. Nhưng viêm phổi cứ tái phát ngày càng càng nặng. Chụp phim phổi, bé được chẩn đoán bị áp xe phổi. Nhưng sau khi chụp CT phổi, các bác sĩ dễ dàng phát hiện ra một vật lạ.

Trước đó 1 tháng, bé V.L đang ngồi chơi bất chợt lên cơn co giật (bé có tiền sử động kinh). Người nhà quýnh quáng, vội lấy cây đũa kê vào miệng bé. Một lúc sau, bé L. hồi tỉnh, người bố phát hiện đầu đũa bị mẻ một miếng, nhưng bỏ qua chuyện này. Bé L. bị viêm phổi chỉ 1 tuần sau sự cố này.

"Khi trẻ mất tri giác, các phản xạ bảo vệ bị mất nên mảnh đũa có thể dễ dàng lọt xuống phổi mà không ai hay biết" - BS Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1, cho biết như vậy.

Viêm phổi kéo dài: Dấu hiệu của dị vật
Đa phần những ca hóc dị vật đều được chuyển từ các khoa hô hấp đến. Thông thường, các bệnh phổi do nhiễm trùng sẽ khỏi sau khi điều trị nội khoa trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, viêm phổi kéo dài, tái phát khi ngưng thuốc, bệnh càng lúc càng nặng..., thì trẻ nên được các bác sĩ tai mũi họng khám và chụp CT phổi. CT là một phương pháp chẩn đoán chính xác và ít nguy hiểm.

"Dị vật lạ không được lấy ra, 100% trẻ sẽ tử vong. Trong khi tỷ lệ tử vong khi gây mê, soi và gắp dị vật ra, chỉ khoảng 1/1000. Đây là trường hợp hãn hữu, trẻ phản ứng với thuốc mê khi đang viêm phổi, đang sốt, nên suy hô hấp hoặc sốt cao hơn, dẫn đến tử vong" - BS Sơn cho biết.

Riêng với trẻ động kinh, để tránh sự cố hóc dị vật, các bác sĩ khuyên: "Trong nhà nên luôn có sẵn một thanh gỗ có quấn gạc mềm để tránh làm trẻ bị gãy răng, hoặc nghiến đứt những mảnh gỗ nhỏ, trong tình trạng vô ý thức. Những mảnh nhỏ đó có thể lọt xuống bụng hoặc lọt vào phổi, thậm chí gây tử vong cho trẻ do ngạt thở. Trẻ nên được nới lỏng quần áo và đặt nằm nghiêng để tránh ứ đọng đàm nhớt.

Khi trẻ có cơn khó thở, người nhà cần ấn ngực và vỗ lưng cho trẻ để tạo áp lực, đẩy bật dị vật ra khỏi chỗ kẹt, giúp trẻ thở được và đưa ngay đi cấp cứu".

( Theo Tin Tức )