Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường mầm non nghỉ hè, phụ huynh nháo nhác


Lứa tuổi mầm non cần phải được chăm sóc, bảo vệ thường xuyên (Ảnh: Hằng - Uyên).
Nháo nhác tìm người giúp việc, hoặc tìm cách gửi con về quê giao phó cho ông bà nội, ngoại, hoặc buộc lòng mang theo con đến công sở, đang là tình cảnh chung của nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ở tuổi mẫu giáo, khi kỳ nghỉ hè chính thức bắt đầu.
Kỳ nghỉ hè của các cô giáo hệ mầm non chính thức bắt đầu từ 2/6, nhưng cả tuần nay, các bậc phụ huynh đã nháo nhác.

Cô nghỉ hè, trò bơ vơ
Từ khi cậu con trai 3 tuổi được nghỉ hè, vợ chồng anh Tú ở Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội không lúc nào được yên ổn. Hai vợ chồng đều là công chức Nhà nước, ông bà nội, ngoại đều đã già yếu, lại ở xa, nên việc gửi con về quê cho ông bà là điều không thể, nên anh chị đành phải dùng kế thay phiên nhau nghỉ ở nhà để trông con.

Khổ nỗi, cu cậu đang quen nếp sinh hoạt ở trường, mấy ngày ở nhà lại biếng ăn, quậy phá và quấy khóc suốt, vì không có bạn chơi. Anh Tú quá mệt mỏi đã quyết định tìm ôsin, nhưng tìm đến nhiều trung tâm, nhờ người ở quê tìm giới thiệu giúp và hứa trả lương cao, nhưng vẫn chưa tìm được “ứng viên” phù hợp để có thể yên tâm giao phó cậu con trai hiếu động của mình.

Trường hợp anh Nguyễn Anh Dũng, đang công tác tại một công ty thương mại ở Hà Nội lại khác. Vợ đi công tác xa, gia đình 2 bên cũng ở tỉnh ngoài, chưa kịp tìm ôsin, anh buộc phải tạm thời mang con theo đến cơ quan. Lúc bố có việc đi giao dịch, đứa bé lại phải tha thẩn khắp cơ quan chờ bố về. Còn anh, làm gì cũng không yên tâm, cứ sấp sấp ngửa ngửa, mau mau chóng chóng về cơ quan với con.

Chị Lê Thị Huệ Ân, phóng viên một tờ báo nên không thể hàng ngày đem con theo đến cơ quan đã phải tức tốc mang gửi bà ngoại ở cách nhà gần 20km và chấp nhận ngày ngày đưa đón con.

Nháo nhác tìm người giúp việc, hoặc tìm cách gửi con về quê giao phó cho ông bà nội, ngoại, hoặc buộc lòng mang theo con đến công sở, đang là tình cảnh chung của nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ở tuổi mẫu giáo, khi kỳ nghỉ hè chính thức bắt đầu.

Đây không phải lần đầu tiên mà từ lâu, cứ mỗi mùa hè đến, là hàng vạn phụ huynh lại phải loay hoay với bài toán gửi con ở đâu cho an toàn, để có thể yên tâm công tác khi kỳ nghỉ hè của các giáo viên mầm non kéo dài 2 tháng, trong khi các cơ quan khác thì không có quy định "được nghỉ hè"?

Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, đã có trên 150.000 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, đủ thấy rằng, mỗi kỳ nghỉ hè của các giáo viên mầm non gây sự xáo động đến thế nào, khi mà điều này đồng nghĩa với việc cũng có khoảng hơn 100.000 phụ huynh lúng túng tìm chỗ gửi con. Nhưng khi mà đồng loạt một số lượng rất lớn trẻ em cùng lúc nghỉ hè, thì việc tìm chỗ, thuê người càng trở thành vấn đề nan giải.

Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, cậy nhờ được ông bà nội, ngoại thì còn đỡ cực. Nhưng đa số các cặp vợ chồng trẻ, lại đang phải thuê nhà để làm việc ở Hà Nội thì mới đúng là bi kịch. Nhất là trong lúc giá cả các mặt hàng đều tăng cao, tiền thuê nhà cũng bị chủ nhà hét tăng liên tục, lại còn tiền công cho ôsin... khiến không ít gia đình rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

Vợ chồng anh bạn tôi thì đánh bài liều, cứ mỗi buổi tranh thủ gửi con ở nhà mấy cụ già hưu trí cùng khu. Buổi sáng một nhà, trưa về tranh thủ cho con ăn, lại bế sang gửi nhà cụ khác. Được mấy ngày đầu các cụ còn hào hứng, nhưng về sau không chịu được sự nghịch ngợm của con nít, nên cụ nào cũng ngao ngán.

Tâm sự với chúng tôi, nhiều bậc phụ huynh đều có chung một nỗi lo, ở tuổi mầm non, các cháu chưa thể tự chăm sóc bản thân, hơn nữa lại tò mò, hiếu động, hay bắt chước người lớn, nếu không được giám sát, trông nom rất dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Môi trường ở lớp học, có sự giám sát của cô giáo là điều kiện tốt nhất để các bậc phụ huynh yên tâm gửi con. Việc rập khuôn máy móc theo qui định chung cùng với các cấp học khác là điều vô lý.

Danh không chính, ngôn có thuận?
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Mầm non, Sở GDĐT Hà Nội cho biết: Theo qui định chung, các giáo viên mầm non cũng được nghỉ hè 2 tháng. Nhưng phụ huynh học sinh có thể thỏa thuận với các trường thuộc Phòng Giáo dục các quận, huyện để mở các lớp học trong thời gian nghỉ hè, hoàn toàn là sự tự nguyện, căn cứ theo nhu cầu.

Chúng tôi đã liên hệ với một số trường mẫu giáo trên địa bàn quận Hoàn Kiếm để tìm hiểu vấn đề trên. Quả thật, nhiều trường đang phải "tự phát" mở các lớp học hè cho các cháu. Nói là tự phát vì trước nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh là rất lớn, các trường tổ chức học thêm chứ không có văn bản nào hướng dẫn hay cho phép.

Trường Mầm non A nằm trên phố Thợ Nhuộm cũng nghỉ hè từ đầu tháng 6, nhưng vẫn mở lớp để nhận các cháu theo yêu cầu. Một đại diện của trường cho biết: Theo qui định, các cô được nghỉ hè 2 tháng, nhưng các bậc phụ huynh luôn có nhu cầu được gửi con để đi làm, trong khi nhà trường không thể thuê người không có chuyên môn trông các cháu, nên đã động viên các cô giáo thay phiên nhau nghỉ để vẫn có thể mở lớp.

Vì thế nhà trường sẽ thu học phí trong 2 tháng học kỳ III cao hơn những tháng học bình thường. Mặc dù các trường đã cố gắng mở lớp liên tục, nhưng do không có quy định chung nên hè đến, mỗi trường một kiểu.

Có nhiều vấn đề đặt ra từ thực tế này: Việc các giáo viên mầm non được nghỉ hè là chính đáng, nhưng do đây là cấp học đặc thù, trong bối cảnh các cơ quan vẫn duy trì chế độ làm việc đã gây nên sự xáo trộn rất lớn cho các gia đình và làm ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội khi lượng học sinh mầm non đông và rất cần được chăm sóc, bảo vệ khi bố mẹ đi làm.

Nên chăng, ngành Giáo dục mầm non có phương thức bố trí cho giáo viên thay nhau nghỉ, đảm bảo các cô vẫn được nghỉ đúng chế độ, mà lớp học vẫn được duy trì. Đồng thời, xây dựng một chương trình học liên tục cả trong học kỳ III nhằm kích thích tư duy sáng tạo cho trẻ

Vừa nghỉ hè, đã lo tìm chỗ học
Từ 1-6, học sinhcác trường từ mầm non đến phổ thông đều kết thúc năm học, đồng loạt nghỉ hè. Hệ mầm non nghỉchỉ có 15 ngày, THCS cũng chỉ một tháng.

Tuy nhiên, mùa hè không được các bậc phụ huynh chào đón. Ngay từ khi mùa hè chưa bắt đầu, họ đã lên kế hoạch cụ thể cho khoảng thời gian con rời xa nhà trường ngắn ngủi này.

Nghỉ hè rồi, nhưng thấy chị Lan cạnh nhà vẫn đưa con đi học. Chị phân trần: “Các cháu đều thi xong rồi, nhưng học hè ngay, để ở nhà một ngày cũng không được, vì không ai trông. Cô giáo mở lớp, đi học trước chương trình cũng tốt”. Tốt như thế nào chưa nhìn thấy, chỉ thấy hai đứa trẻ đeo cặp mà như bị mẹ phạt, mặt cứ méo xệch đi, chúng còn muốn ngày hè được đi chơi đây chơi đó, nhưng vừa rời nhà trường hôm trước, hôm sau đã phải đến lớp học thêm ngay.

Có cung ắt có cầu, ngay từ ngày đầu tháng 6, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, các thầy cô dưới sự tổ chức của cha mẹ học sinh hoặc tự thân đã mở các lớp học thêm, học hè, học trước chương trình. Bằng nhiều hình thức, các lớp này thu hút lượng học sinh không hề nhỏ.

Với trẻ em thành phố bây giờ, kỳ nghỉ hè vốn dĩ đã bị co ngắn lại, chỉ còn một tháng duy nhất (tháng 6), thời gian hè còn lại (tháng 7,8) trẻ đã phải đến trường học thêm (dù dưới hình thức tự nguyện). Nhưng tháng hè duy nhất ấy với nhiều gia đình cũng nảy sinh lắm vấn đề. Bố mẹ không thể trông được con, để ở nhà sợ con chơi điện tử, xem ti vi quá nhiều, cho ra ngoài thì không lường được hậu quả. Đứa cháu tôi khi nghe bố nói “khi nào kết thúc năm học, lại cho con đi học hè thôi”, vừa khóc vừa phản đối: “Con không đi học đâu, chán lắm...”. Nhưng không đi học thì làm gì, có lẽ lớp học thêm là nơi an toàn nhất.

Anh chị tôi cùng một nhóm phụ huynh nữa, ngay từ cuối tháng 5 đã mời một cô giáo ở trường tiểu học mở lớp. Lớp học được đặt ở nhà cô như mọi năm cho tiện. Tuy lớp học có hơi chật chội, thiếu ánh sáng, bọn trẻ phải ngồi chen chúc một chút cũng không sao. Như hè trước, bài giảng của cô cũng tuỳ ý, không đầu không cuối, anh chị tôi bảo: Chủ yếu là có chỗ cho chúng đến, học được bao nhiêu quý bấy nhiêu. Bởi sau tháng 6 này, chúng còn tiếp tục các lớp học thêm ở trường trước khi bước vào năm học mới nữa.

Nhiều người cho rằng, dường như trẻ em thành phố hiện nay không còn biết gì đến ý nghĩa thực sự của kỳ nghỉ hè là gì nữa? Tháng hè trôi qua chậm chạp trong bộn bề sách vở, của những buổi học thêm ở trường, ở nhà, học trước chương trình. Việc học tập đang trở thành gánh nặng đối với học sinh còn bởi tâm lý căng thẳng trước sức ép của cường độ học tập.

Với những gia đình có trẻ mầm non học ở các trường bán công, công lập những ngày này cũng đang xáo trộn cả lên. Ông bà thì không có, biết gửi cho ai, đành khuân theo thằng bé đến nơi làm việc vậy. Đây cũng là nỗi khó của không ít gia đình hiện nay.

Có nhiều người đã đưa vấn đề “chơi của học sinh” ra bàn định. Các nhà văn hoá, câu lạc bộ, tụ điểm sinh hoạt ngoài giờ... dành cho trẻ em, nhưng chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng đại trà. Các nhà văn hóa quận, huyện chỉ để dành cho thuê làm lớp học vũ quốc tế, biểu diễn thời trang, học tiếng Anh, tin học... Những nơi trẻ có thể vui chơi như vườn hoa, công viên... thì phần nhiều lại không phải chỗ dành cho trẻ em đến chơi một mình được. Thành phố cũng không có thư viện dành riêng cho thiếu nhi để các em có thể đến đọc sách. Sở GD&ĐT đã có văn bản khuyến khích các trường mở cửa trong dịp hè, nhưng việc tổ chức vui chơi cho trẻ em trên địa bàn hầu như không được lưu tâm. Một giải pháp được các gia đình tính nhanh gọn nhất là cho con đi học hè.

Theo quy định của sở GD&ĐT Hà Nội, các trường không được tổ chức cho học sinh học hè trước 20/7 dưới bất kỳ hình thức nào. Sau 20/7, các trường chỉ được tổ chức ôn tập cho học sinh, với điều kiện cha mẹ học sinh phải tự nguyện. Các nhóm lớp trông trẻ tại gia đình, không được biến thành các lớp dạy thêm, dạy trước chương trình.

( Theo KTĐT )