Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

50% bệnh nhân suy dinh dưỡng khi nhập viện


Sau cuộc mổ bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng có biến chứng nhiều gấp 4 lần. Ảnh: C.T.V
Nếu tất cả bệnh nhân được chăm sóc, dinh dưỡng tốt ngay từ đầu thì sẽ giảm nhiều trường hợp bị biến chứng

Hiện nay, tỉ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân tại các bệnh viện (BV) chiếm khoảng 30% - 50%. Đây là kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân vừa được công bố

Theo đánh giá của PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng, mặc dù tỉ lệ suy dinh dưỡng trong BV ở nước ta rất lớn và điều này làm giảm chất lượng của việc điều trị bệnh nhưng hiện chưa có sự nhận thức đúng mức về tầm quan trọng của tình trạng dinh dưỡng ở bệnh nhân. Trong khi đó, ở một số nước, tỉ lệ suy dinh dưỡng tại các BV khoảng 10% suy dinh dưỡng nặng và 21% suy dinh dưỡng trung bình.

Suy dinh dưỡng dễ bị biến chứng
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm cho biết thời gian nằm viện kéo dài liên quan chặt chẽ tới tình trạng suy dinh dưỡng ở bệnh nhân. Khoảng 50% bệnh nhân đã có dấu hiệu suy dinh dưỡng ngay khi nhập viện nhưng chỉ 12,5% bệnh nhân được phát hiện có suy dinh dưỡng. Hậu quả của suy dinh dưỡng BV là thay đổi chức năng đường tiêu hóa, giảm mức lọc cầu thận, thay đổi chức năng hệ tim mạch, thay đổi dược động học của thuốc.

Ngoài ra, còn chậm làm lành các vết thương, suy giảm chức năng miễn dịch, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, tỉ lệ tái nhập viện cao. Đặc biệt là tình trạng suy dinh dưỡng BV làm tăng tình trạng biến chứng từ 2 - 20 lần, nguy cơ tử vong cao và làm chất lượng cuộc sống suy giảm. Ngay cả bệnh nhân chỉ mới có nguy cơ suy dinh dưỡng cũng có tỉ lệ biến chứng nhiều hơn 2,6 lần và biến chứng trầm trọng thì tăng gấp 3, 4 lần. 42% bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng có xuất hiện biến chứng trầm trọng. Còn ở nhóm bệnh nhân suy dinh dưỡng nhẹ, chỉ có 9% kèm theo các biến chứng trầm trọng. Sau mổ, bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng có biến chứng nhiều gấp 4 lần so với những bệnh nhân bình thường.

Dinh dưỡng tốt giảm chi phí nằm viện.
Dinh dưỡng thực sự là một phần của phác đồ điều trị, tác động đến căn nguyên gây bệnh và dinh dưỡng còn là liệu pháp điều trị trong nhiều loại bệnh. PGS-TS Nguyễn Thị Lâm cho biết bệnh nhân càng được nuôi ăn sớm càng hạn chế gặp phải các biến chứng, hạn chế tăng tính thấm thành ruột nên ngăn chặn xâm nhập nội độc tố vào máu. Nếu tất cả bệnh nhân được nuôi ăn sớm, được chăm sóc dinh dưỡng tốt ngay từ đầu thì những trường hợp bị biến chứng sẽ giảm 50%.

Tuy nhiên, hiệu quả của các đường nuôi ăn rất khác nhau, biến chứng và tử vong trong nhóm nuôi đường tĩnh mạch được ghi nhận cao hơn so với nhóm bệnh nhân được nuôi ăn bằng đường ruột. Cụ thể là nếu nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch sẽ làm teo hẹp ống tiêu hóa, gây mất chức năng của đường tiêu hóa và thẩm lậu vi khuẩn. Đặc biệt ở bệnh nhân phỏng, nuôi tĩnh mạch làm tăng tỉ lệ tử vong 60% so với nuôi ăn bằng đường ruột. Trong khi đó, nếu nuôi ăn bằng đường tiêu hóa sẽ duy trì chức năng đường tiêu hóa và làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Chi phí nuôi sớm bằng đường ruột cũng thấp hơn, chỉ bằng ¼ so với chi phí nuôi bằng đường tĩnh mạch.

Theo khuyến cáo của PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, bệnh nhân nên được cân nhắc nuôi ăn bằng đường ruột một cách sớm nhất có thể để giúp giảm những gánh nặng về bệnh tật, biến chứng và chi phí nằm viện.

Suy dinh dưỡng khác nhau ở từng nhóm bệnh
Tỉ lệ này thay đổi ở từng nhóm bệnh, cụ thể ở nhóm bệnh hô hấp có 45% bệnh nhân suy dinh dưỡng, có 43% bệnh nhân lão khoa suy dinh dưỡng ngay khi nhập viện và 27% bệnh nhân ngoại khoa suy dinh dưỡng khi mới được bắt đầu điều trị tại BV. So sánh trong cùng nhóm bệnh nhân bị cắt cụt chi, ở những bệnh nhân không suy dinh dưỡng có tới 86% người lành vết thương nhanh chóng nhưng chỉ có 20% người lành vết thương nhanh ở nhóm bệnh nhân bị suy dinh dưỡng.

( Theo NLĐ )