Áp lực học hành: Trẻ sống trong sợ hãi Nỗi lo lớn nhất của phụ huynh khi tìm đến Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp tâm lý giáo dục trẻ TP.HCM là chuyện học thêm "từ thuở còn thơ" của con. Qua thổ lộ của phụ huynh, có thể hình dung được nhiều đứa trẻ sau khi tan học lớp chính là được mẹ cho ăn sữa, ăn bánh... rồi chở thẳng đến lớp "học phụ đạo" của các cô giáo dạy lớp lập luận phổ biến của phụ huynh là: "Không cho con học trước tôi không yên tâm".
Để tự động viên, có người còn dẫn cả con số mà báo chí đề cập "20%-30% học sinh cấp I kém thích ứng trong học tập". Trẻ em hiện nay dường như đang bị "ép học" chứ không phải "được học" bởi lịch học quá tải
Thực tế, ai cũng biết, vào lớp 1, trẻ mới bắt đầu học chữ, làm toán... những nỗi lo "con mình thua con người ta", khiến cho cha mẹ quyết định "đầu tư" cho con "biết đọc, viết, làm toán" trước khi vào lớp 1. Nhiều người không muốn nhưng cũng phải chạy theo đám đông. Vấn đề phát sinh khi đứa trẻ không chịu học. Các em không hiểu vì sao mình phải học nhưng không dám chống lại bố mẹ. Vì thế, chưa biết chữ nhưng nhiều trẻ đã học được trò "ranh mãnh": khi nào có mặt bố mẹ thì cầm sách đọc ê a, vắng mặt bố mẹ thì lăn ra chơi. "Bị học" chứ không phải "được học" Khi lớn thêm, việc học thêm như là một sự tiếp tục, có tính bắt buộc. Chưa cần biết con học thêm có lợi gì không nhưng cha mẹ thì... yên tâm. Thật ra, học thêm quá nhiều sẽ dần khiến trẻ mất khả năng tự học, khi thành sinh viên, các em không có thói quen tự nghiên cứu. Trẻ không có hứng thú học tập vì không biết mục đích học để làm gì. Trẻ học hành sa sút nên luôn đến trường trong tâm trạng sợ hãi. Bố mẹ lại càng ép con phải học thêm. Trẻ luôn cảm thấy "bị học", chứ không phải "được học". Các bậc cha mẹ kỳ vọng quá lớn mà không quan tâm đến cảm xúc, năng lực của con. Những đứa trẻ luôn bị điểm thấp, cảm thấy tội lỗi, vì "Bố mẹ đi làm vất vả, lo cho con, mà con lại học không ra gì...". Trẻ học khá, lại luôn canh cánh nỗi lo "Bị điểm kém", bởi khi bị điểm thấp, trẻ luôn bị cha mẹ "truy nã" lý do thường gán cho trẻ tội ham chơi. Trẻ bị bạo hành sẽ trở nên thô bạo Các bậc phụ huynh thận trọng nhìn nhận lại, đừng vô tình hay cố ý mà tạo áp lực nào cho trẻ
Bị dồn ép học tập, những đứa trẻ luôn "sống trong sợ hãi": đến trường sợ thầy cô phạt, về nhà sợ cha mẹ la mắng. Trẻ lại rất dễ mắc lỗi, dễ làm người lớn không hài lòng vì tính hiếu động và sự nông nổi của chúng. Trong các loại bạo hành trẻ em, thì bạo hành cảm xúc là "kín đáo" nhất, đánh vào thần kinh trẻ. Biểu hiện của lối bạo hành này là những lời đe dọa như: "Mày còn như thế, tao đánh mày chết!"., hoặc những chê bai, không tin vào trẻ, mà cao điểm là đặt trên vai trẻ trách nhiệm quá sức học theo yêu cầu của bố mẹ. Khi bị "ép" quá tải, trẻ sẽ bị rối loạn tâm lý, dẫn đến rối loạn hành vi thể hiện qua việc: đánh nhau, cứng đầu, không nghe lời cha mẹ... Trong xã hội ngày nay, ở các đô thị, con trẻ tiếp cận thông tin rất sớm. Kinh tế xã hội phát triển nhưng môi trường xã hội lại không an toàn cho trẻ. Vì thế, việc chăm sóc con cái, nhất là sức khỏe tinh thần, phải được các bậc phụ huynh thận trọng nhìn nhận lại, đừng vô tình hay cố ý mà tạo áp lực nào cho trẻ. Theo Tin Tức |