Chế độ thai sản 6 tháng: Nên hay không nên?
Phụ huynh lo lắng bởi trẻ 3 tháng tuổi vẫn... bơ vơ ngoài cổng trường mầm non. Không ít ý kiến gửi về toà soạn bày tỏ quan điểm, phụ nữ nên được nghỉ thai sản 6 tháng. Mời bạn đọc tham gia diễn đàn. Mô hình nhà trẻ công lập thực tế bị xoá sổ trong cuộc sống kể từ ngày 16.2.1987, khi Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em T.Ư sáp nhập với Bộ GDĐT, do đó, hệ thống nhà trẻ nằm trong hệ thống mầm non. Vì nhiều lý do, nguyên nhân khác nhau, mô hình nhà trẻ dần dần teo tóp và biến mất. Các trường mầm non ngại trông trẻ dưới một năm tuổi và đặc biệt là trẻ mới 3 tháng tuổi. Một số trường tiếp nhận trẻ ít nhất cũng từ 1 đến 1,5 tuổi. Khi các trường mầm non "khép cửa" với trẻ 3 tháng tuổi, buộc các phụ huynh không có điều kiện phải gửi con đến các nhóm trẻ gia đình. Hệ quả của việc chăm sóc nuôi dưỡng của các nhóm trẻ gia đình lại nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chuyên môn. Trước áp lực quá lớn của xã hội khi trẻ dưới 3 tháng tuổi vẫn... "bơ vơ" ngoài cổng trường mầm non, Bộ GDĐT đã ra QĐ số 14. Tuy nhiên, để trẻ em từ 3 tháng tuổi được đến trường, được chăm sóc trong sự quản lý của cơ quan chức năng, các trường mầm non phải có lộ trình, thời gian mới đáp ứng được yêu cầu. Qua ý kiến của nhiều bạn đọc đã mở hướng giải quyết vấn đề, nên có chính sách để nữ CNVC-LĐ được nghỉ chế độ thai sản là 6 tháng như đã có thời thực hiện. Nữ CNVC-LĐ nghỉ 6 tháng đảm bảo sự chăm sóc trẻ em. Trẻ em trong độ tuổi này cần sự chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, việc nữ CNVC-LĐ nghỉ thai sản 6 tháng cần có sự đồng tình của cơ quan sử dụng lao động.
( Theo Lao Động ) |