Khuyến khích con có ý thức độc lập Các bậc cha mẹ hãy lưu ý dạy con ý thức độc lập ngay từ những năm tháng đầu đời.
Ảnh: sưu tầm
Từ những năm đầu đời, trẻ luôn được sống trong sự bao bọc, cưng chiều của cha mẹ cũng như những người thân khác trong gia đình. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, điều đó thể hiện tình yêu thương của bậc làm cha mẹ, nhưng làm thế chưa hẳn đã là tốt. Trẻ cần được nuôi dạy một cách khoa học để phát triển nhân cách toàn diện nhất. Một trong những đức tính cần thiết mà cha mẹ nên dạy con từ thủa còn thơ chính là tính độc lập. Từ khoảng 8-10 tháng tuổi trở đi, trẻ bắt đầu có những phát triển vượt bậc về cả vận động lẫn nhận thức. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ thấy bé yêu của mình tự vịn thành giường để đứng dậy mà không cần đến sự nâng đỡ của người lớn, rồi bé sẽ tự mon men bước những bước đi đầu đời của mình. Khuyến khích con tự lập Các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng bé yêu của mình còn quá non nớt, bạn không nỡ để bé phải “tự thân vận động” dù là một việc rất nhỏ. Thêm nữa, việc để bé tự xúc cơm ăn, tự lấy đồ… thật phiền phức và mất thời gian, bé sẽ bầy bừa ra và bạn lại phải mất công dọn, thà rằng bạn làm giúp bé cho xong. Suy nghĩ đó thật không đúng chút nào. Bạn hãy nhớ rằng, bé cần biết tự vận động để khôn lớn. Vì vậy, hãy luôn khuyến khích bé những việc nằm trong khả năng mà bé có thể làm được. Đặc biệt, khi mới biết làm gì bé sẽ tỏ ra rất hăng hái, bạn nên tận dụng cơ hội đó để vừa giúp con thành thạo hơn, vừa thúc đẩy cả trí thông minh, sáng tạo của con. Ví dụ: khi bé đang tìm cách tự đứng dậy, cả nhà hãy động viên bé và thưởng cho bé những tràng pháo tay khen ngợi nếu bé làm được. Tương tự, khi bé tập cầm thìa xúc cơm cho vào miệng cũng thế. Dạy trẻ tự lập Bạn có thể dạy con từ những việc đơn giản nhất trong sinh hoạt hàng ngày Với bé dưới 1 tuổi: tập dần cho bé cách tự vịn tay đứng dậy, tự bước đi… Trẻ 1-2 tuổi: là thời gian thích hợp cho việc tập cầm thìa xúc ăn, tự đi lấy đồ chơi và thậm chí là chơi xong sẽ biết cách sắp xếp, cất đồ về chỗ cũ. Bé còn có thể làm “tay sai đắc lực” cho mẹ trong việc dọn nhà nữa đấy. Các bé lớn hơn, khả năng vận động đã trở nên hoàn thiện hơn rất nhiều, đồng thời khả năng tư duy, phán đoán cũng phát triển, bé có thể tự làm được nhiều việc phức tạp hơn: tự mặc và cởi quần áo, giúp mẹ làm bếp như nhặt rau, xếp bát đũa… Để bé làm được việc nào đó, trước hết bạn phải giúp bé làm quen đã. Sau đó từng bước hướng dẫn con phải làm như thế nào, lúc đầu mẹ nên làm cùng bé rồi dần dần để cho bé tự hoàn thành khi đã thành thạo hơn. Thay vì chê trách, hãy khen ngợi bé nhiều hơn. Bé yêu làm rơi vãi thức ăn ra khắp nhà và làm bẩn quần áo? Vì bé còn vụng về đấy thôi, dần dần rồi các động tác sẽ trở nên khéo léo thành thục hơn. Thay vì cảm thấy bực mình trách mắng con, cha mẹ nên nhẹ nhàng chỉ dẫn cho con làm tốt hơn và đừng quên dành cho bé những lời khen ngợi cùng với sự vui mừng thể hiện qua nét mặt, tiếng cười… để bé có thể cảm nhận được. Từ hơn 1 tuổi trở đi, cái tôi của bé sẽ ngày một rõ rệt hơn, bé sẽ không ngừng tìm cách để thể hiện mình cũng như để dành được sự ca ngợi của mọi người. Bồi dưỡng tính độc lập cho con từ những năm đầu đời chính là cách hướng cho bé sống tự tin, có nền nếp và có khả năng tự lập trong cuộc sống sau này. ( Theo Bibi.Vn ) |