Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sân khấu thiếu nhi: Hy vọng vào một sự cạnh tranh


Vở Bạch Tuyết và bảy chú lùn của sân khấu Nụ Cười Mới - Ảnh: Gia tiến
Vào hè, các khán giả nhí lại chuẩn bị vòi ba mẹ dẫn đi xem kịch thiếu nhi như một thú giải trí "sành điệu và thời thượng" của các bé.

Thị trường sân khấu thiếu nhi TP.HCM lại nóng lên với việc sở hữu một chiếc vé để vào xem chú Thành Lộc, chú Hữu Châu, cô Thanh Thủy... biến hóa cùng những nhân vật cổ tích, thần thoại. Nhưng hè này không chỉ có mình Idecaf...

Có thêm "chú Hoài Linh"
Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi, như thường lệ sân khấu Idecaf sẽ có một tháng "tung hoành" ở nhà hát Bến Thành với vở kịch thiếu nhi Chuyện thần tiên xứ Phù Tang nằm trong chương trình Ngày xửa ngày xưa 16. Sân khấu hoành tráng và lộng lẫy với hoa anh đào, núi Phú Sĩ, những vị thần rực rỡ nhiều phép thuật, những võ sĩ samurai đấu kiếm trên không...

Câu chuyện chuyển đến khán giả nhí một thông điệp nhẹ nhàng rằng: trong cuộc sống ai cũng có vai trò và trách nhiệm để cùng nhau xây dựng mọi thứ tốt đẹp hơn. Thành Lộc nhún nhảy liên hồi trong vai nữ thần nhảy múa, Hữu Châu chua ngoa với vai nữ thần bóng đêm, Thanh Thủy thì hay giận dỗi trong vai nữ thần Mặt trời - sự góp mặt của ba ngôi sao "bảo chứng doanh thu" này luôn là thỏi nam châm thu hút các khán giả.

Ngày xửa ngày xưa 16 - Chuyện thần tiên xứ Phù Tang (Idecaf) diễn ở nhà hát Bến Thành từ 29-5 đến 29-6-2008. Nụ cười cổ tích - Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Nụ Cười Mới) diễn ở rạp Hưng Đạo từ 1 đến 8-6-2008 (mỗi ngày ba suất). Chương trình tạp kỹ Sự tranh tài của hai vị thần Sơn-Thủy diễn ở sân khấu Phú Nhuận 9g30 ngày 1-6-2008. Chương trình Tiếng nói trẻ thơ - Chuyện hai đứa trẻ và Vì sao thuồng luồng hóa rồng (Nhà hát Kịch TP.HCM) diễn miễn phí cho trẻ em nghèo tại rạp Công Nhân ngày 1-6.
Tuy nhiên, năm nay có thể Idecaf sẽ không còn ở thế độc quyền "một mình một cõi" nữa bởi đã có sự xuất hiện của một "đại gia mới" trong lĩnh vực kịch thiếu nhi: sân khấu Nụ Cười Mới của ông bầu Hữu Lộc.

Gọi là "đại gia" bởi tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Nụ Cười Mới đã dám chi mạnh tay cho vở kịch thiếu nhi đầu tiên của mình: hơn 450 triệu đồng để dàn dựng vở Bạch Tuyết và bảy chú lùn - xấp xỉ với số tiền kỷ lục mà Idecaf đã chi cho các vở thiếu nhi trước đây. Bầu Lộc cho biết số tiền đó được dùng để đầu tư trang thiết bị, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, khí nitơ lạnh để làm khói, những hiệu ứng sân khấu để đặc tả những màn phép thuật...

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cũng thử sức với mảng kịch nhiều màu sắc này bằng cách kết hợp rối đen với các ngôi sao: danh hài Hoài Linh (vai Phù Thủy), ca sĩ Cẩm Ly (vai nàng Bạch Tuyết), Chí Tài, Cát Phượng...

Lần ra mắt đầu tiên này, bầu Lộc quyết chi đậm để gây ấn tượng tốt với khán giả nhí, những suất diễn ban ngày nếu lố vào giờ cơm sẽ... phát bánh để các bé vừa ăn vừa xem. Hiện sân khấu này đang lên kế hoạch dựng kịch thiếu nhi định kỳ vào những mùa hè sau với tên Nụ cười cổ tích. Như vậy có thể sắp tới, ngoài chú Thành Lộc "nhí nhảnh" của Ngày xửa ngày xưa, các bé sẽ nhớ thêm chú Hoài Linh "vui vẻ” của Nụ cười cổ tích!

Đã thêm cung nhưng vẫn chưa đủ cầu
Mỗi năm, cứ vào "vụ hè - thu" (những dịp tết thiếu nhi, tết trung thu, Giáng sinh) là toàn bộ êkip nghệ sĩ của sân khấu Idecaf lại "buông" hết kịch người lớn, chuyển hẳn sang "cày xới" mảng kịch thiếu nhi đầy hứa hẹn. Công việc rất bội thu: mỗi đợt như vậy kéo dài gần một tháng và kết quả thu lại toàn tính bằng tiền tỉ - con số đủ khiến những người làm sân khấu ở khắp nơi mơ ước. Bởi vậy năm nay dù không còn bộ đôi Thanh Phương - Vũ Minh từng rất ăn ý trong những mùa Ngày xửa ngày xưa trước nhưng không vì thế mà sân khấu Idecaf "lơ là” với kịch thiếu nhi.

Tác giả mới Quang Thảo, đạo diễn mới Đình Toàn được tin tưởng giao nhiệm vụ với Chuyện thần tiên xứ Phù Tang. Một lần nữa, vé lại sốt do đã được nhiều nơi đặt hàng trước. Một tháng với hơn 30 suất diễn liên tục vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của các khán giả nhí.

Thấy được "món hời" này đã lâu, các bầu sân khấu tư nhân khác rất muốn nhảy vào nhưng cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn bởi không đủ nhân lực, vật lực. Sân khấu Kịch Sài Gòn vẫn chưa thử sức với lĩnh vực hấp dẫn nhưng "khó xơi" này. Sân khấu Phú Nhuận có làm kịch thiếu nhi vào sáng chủ nhật nhưng chỉ dừng lại với qui mô nhỏ vì không có sân khấu, sau hai lần cố gắng mở rộng phạm vi ra sân khấu ngoài trời thì đều gặp mưa nên vẫn đang tiếp tục bàn bạc.

Nghệ sĩ Vũ Luân cũng ấp ủ gầy dựng lại mô hình cải lương đồng ấu ngày xưa dành cho khán giả nhí nhưng vẫn chưa đủ điều kiện... Bởi vậy, sự xuất hiện của Nụ cười cổ tích lần này như thổi thêm hi vọng vào một sự cạnh tranh lành mạnh, tăng cơ hội được thưởng thức nghệ thuật của các em thiếu nhi, giảm áp lực phải "canh me" mua vé cho con của các bậc phụ huynh.

Cung vẫn chưa đủ cầu, việc chăm lo đời sống văn hóa giải trí cho thiếu nhi mình vẫn thiếu trước hụt sau (nhưng lại thấy có Thụy Điển xa xôi sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho 5B và Nhà hát Kịch TP.HCM diễn kịch miễn phí cho trẻ em VN). Thôi thì cứ tiếp tục chờ và hi vọng vào sự cạnh tranh lần này sẽ thúc đẩy những nỗ lực tiếp theo...

( Theo Tuổi Trẻ )